Sau khi Đài TNVN và các cơ quan báo chí liên tục thông tin, Bộ NN&PTNT cùng tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra, rà soát với nhiều cuộc họp bàn khẩn cấp để tìm hướng khắc phục. Ngày 3/9, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT tiếp tục đến Đắk Lắk để thúc đẩy tiến độ dự án. Công Bắc, Phóng viên VOV tại Tây Nguyên phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trưởng đoàn công tác về những nội dung liên quan:
PV: Thưa Thứ trưởng, Dự án Thủy lợi Krông Pách thượng đã kéo dài 11 năm, nó cho thấy có nhiều bất cập và tắc trách, qua đi khảo sát thực tế dự án, Thứ trưởng có nhận định như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Krông Pách thượng là dự án lớn thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư của dự án cũng khá lớn - 4.400 tỷ đồng. Trong đó, phân chia ra làm 2 hợp phần. Hợp phần của Bộ NN&PTNT là công trình đầu mối và một phần kênh. Còn lại, hợp phần lớn nhất và khó nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB) thì do tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Đến thời điểm này có thể nói công trình này đang chậm tiến độ. Riêng hợp phần GPMB nếu chỉ xét về giải ngân thì đến bây giờ giải ngân của năm 2019 mới chỉ được 20% chưa nói đến số tiền của năm 2020. Đây là vấn đề rất lớn. Có rất nhiều vấn đề đặt ra.
Thứ nhất chính sách, khung chính sách đã có, chính sách cụ thể tỉnh đã ban hành nhưng việc thực thi chính sách và khung chính sách thì còn có những điểm khác nhau ở các xã khác nhau, các huyện khác nhau.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện, cái khó nhất đối với vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng là nguồn gốc đất. Hiện nay, cả Tây Nguyên có hơn 1 triệu dân di cư, chưa nói đến người dân bản địa thì nguồn gốc đất rất khác nhau. Trong khi các công trình thuỷ lợi của chúng tôi ở vùng sâu, vùng xa thì nguồn gốc đất gần như không xác định được. Vấn đề khó khăn thứ ba, công tác kiểm đếm thì anh em không đủ lực lượng để làm. Vấn đề thứ tư, giải quyết một số câu chuyện phát sinh thì rõ ràng sự phối hợp chưa tốt.
PV: Các mối nguy cơ thì cũng đã được Bộ NN&PTNT và tỉnh Đắk Lắk chỉ ra, trong đó có 2 mối nguy cơ lớn nhất, một là an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, thứ hai là khả năng bị cắt vốn. Đối với 2 nguy cơ này, Bộ đã có định hướng nào để xử lý thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đúng là nguy cơ có rất nhiều, nhưng đây là 2 nguy cơ hiển hiện, ở tương lai gần. Đối với công trình có nguy cơ cắt vốn hay không thì chúng tôi khẳng định là không, vì lý do các giải pháp mới đưa ra chắc chắn việc giải ngân sẽ được tháo gỡ, công trình sẽ đảm bảo tiến độ. Chúng tôi sẽ cùng với tỉnh làm và chúng tôi cam kết việc này.
Thứ hai, vấn đề đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân mà bị ảnh hưởng khi khi thi công công trình thì chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh để có nhiều giải pháp khác nhau trên một tinh thần, quan điểm làm gì thì làm nhưng kết quả cuối cùng là người dân phải có một cuộc sống bình thường như trước, thậm chí tốt hơn trước.
PV: Trong tình huống GPMB của Đắk Lắk vẫn chậm, di dời dân không kịp thời mà tới đây mưa lũ còn nghiêm trọng, nếu xảy ra thiệt hại về con người, về tài sản thì Bộ có tính đến không và lúc đó ai là người chịu trách nhiệm?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng tôi đã tính hết tất cả các phương án. Kể cả không có công trình này, trong các tình huống có thiên tai thì chúng tôi đều đã có kịch bản và kịch bản này xây dựng đến cấp thôn, đây là nguyên tắc và luật đã quy định, tất cả các địa phương phải làm.
Khi công trình Krông Pách Thượng đang làm thì yếu tố đó càng phải chú trọng hơn vì nó ảnh hưởng bất lợi thời tiết và thi công công trình. Chính vì thế, chúng tôi đã có tất cả các phương án, trong đó, mưa bao nhiêu, ngập lụt đến cao trình nào thì hiện nay các kịch bản đã có.
Mưa mà ngập thì có thể nước rút chậm, chấp nhận cùng lắm là để thiệt hại về hoa màu chứ dứt khoát không để thiệt hại về con người, đó là nguyên tắc chỉ đạo. Thứ hai, các kịch bản đã có rồi, địa phương ở đây là chủ tịch huyện, chủ tịch xã và trưởng thôn theo quy định của Luật phải thông tin cho người dân. Lúc ấy, theo quy định chịu trách nhiệm. Nếu do đơn vị thi công thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm, do kịch bản đã có mà cấp huyện, cấp xã làm không đầy đủ thì huyện, xã phải chịu trách nhiệm.
PV:Ông từng nói Thủ tướng đã có 2 lần yêu cầu báo cáo về dự án này. Sau đợt làm việc này, Bộ NN&PTNT sẽ báo cáo Thủ tướng, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chắc chắn chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất là báo cáo về quá trình xây dựng và thực hiện dự án này. Thứ hai là những vấn đề đặt ra khi thực hiện khung chính sách của Thủ tướng. Vì những vướng mắc bây giờ chủ yếu là thực hiện khung chính sách mà khung chính sách là Thủ tướng ban hành.
Khi thực hiện khung chính sách thì có một số điều khoản về luật chính quyền vẫn hiểu rất khác nhau, chúng tôi sẽ báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo, đương nhiên là chúng tôi sẽ có những tham mưu với góc nhìn của Bộ NN&PTNT. Vấn đề thứ 3, chúng tôi sẽ cam kết với Thủ tướng Chính phủ, công trình này sẽ về đích đúng tiến độ.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng./.