Dự án hệ thống thuỷ lợi Nà Sản được Bộ Nông nghiệp và PT&NT phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 10/2017, thi công vào cuối tháng 8 năm ngoái. Dự án có tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ cấp nước cho hơn 1.450 hecta đất canh tác và nước sinh hoạt cho 10.000 người thuộc các xã Chiềng Mung, Hát Lót của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

vov_thuy_dien_cryg.jpg
Quá trình thi công cửa hầm dẫn nước đơn vị thi công đã nổ mìn phá đá gây nguy hiểm và thiệt hại cho bà con.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, cửa hầm dẫn nước đơn vị thi công đã nổ mìn phá đá gây nguy hiểm và thiệt hại cho bà con.

Nghiêm trọng hơn, quá trình thiết kế công trình, đơn vị tư vấn đã không đánh giá hết ảnh hưởng của công trình dẫn đến khi triển khai thi công các giếng nước sinh hoạt, ao cá gần khu vực dự án bị mất nước, đẩy sinh hoạt, sản xuất của hơn 50 hộ dân bản Mé Mận vào cảnh khó khăn chồng chất. Những gì đang diễn ra ở đây cho thấy một thực tế: Thủy lợi lại đang gây hại!

Thiệt hại kép

Nhà ông Nguyễn Đức Cường ở bản Mé Mận, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chằng chịt vết nứt xẻ ngang xẻ dọc từ cổng đến sân rồi vào nhà. Ngôi nhà gỗ lợp ngói vốn đã cũ giờ càng thêm siêu vẹo.

Ông Cường cho biết, hiện tượng này xuất hiện ngày càng nhiều kể từ khi dự án hệ thống thuỷ lợi Nà Sản cách nhà chưa đầy 50 mét nổ mìn phá đá cửa hầm. Với khoảng cách không đảm bảo, những cơn rung chấn nổ mìn đã phá hỏng nhà cửa của người dân.

Nhà ông Nguyễn Đức Cường chằng chịt vết nứt xẻ ngang dọc từ cổng đến sân rồi vào nhà

Giờ nổ mìn có hôm viết trên bảng là từ 10h30 – 11h, nhưng có hôm thì hơn 11h mới nổ, lúc đấy chúng tôi đã ngồi ăn cơm, thấy nổ mìn là lại bỏ chạy. Hàng ngày cứ nổ mìn thế này thì chúng tôi lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng, còn nhà cửa nứt nát thì có thể sau này sẽ khôi phục lại”, ông Cường bức xúc.

Chị Tòng Thị Duyến cho hay, từ tháng 12/2019 đến giờ, ngày nào công trình cũng nổ mìn phá đá. Cứ nổ mìn là đá bay tứ tung. Vào đầu tháng 2/2020, đá văng mạnh làm vỡ ống năng lượng mặt  trời và thủng cả mái tôn. May mắn lúc đó cả hai mẹ con đang ở trong nhà chứ không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. 

Đá văng làm vỡ ống năng lượng mặt  trời nhà chị Tòng Thị Duyến

“Cứ mỗi lần anh em bên công trường thi công hô nổ mìn là mẹ con tôi sợ lắm. Nổ mìn xong là đất đá rơi vào mái tôn, rất là bức xúc và xót ruột. Mà lần nào cũng thế, đất đá đều bay tứ tung, vỡ cả ống năng lượng"- chị Duyến cho hay.

Thực tế tại khu vực thi công công trình cho thấy, mép taluy đào cao hàng chục mét sát ngay tường nhà dân, gây nguy cơ sạt lở, đe dọa sự an toàn của nhiều gia đình khi mùa mưa đang đến gần.

Nghiêm trọng hơn, từ khi đào kênh dẫn nước đã khiến gần cả bản Mé Mận lâm vào tình trạng không có nước sinh hoạt. Toàn bộ giếng, ao đều bị cạn trơ đáy.

Ông Nguyễn Mạnh Giỏi người dân trong bản cho biết: "Từ trước đây các hộ gia đình trong này dùng nước rất thoải mái, nước tự nhiên và nhà nào cũng đào giếng để cho gia đình sinh hoạt. Nhưng dự án thuỷ lợi Nà Sản bắt đầu thi công từ tháng 10/2019 đến nay thì do múc mương quá sâu nên tất cả nguồn nước của các giếng trong bản đều bị tụt và thiếu nước trầm trọng”.

Giếng cạn trơ đáy

“Không có nước giếng thì bà con phải dùng nước ở mó này. Mó này thì đục, bẩn nhưng không dùng cũng chả biết làm thế nào vì không có tiền mua nước sạch. Tôi chỉ yêu cầu công trình giải quyết sớm nước sạch cho bà con” - chị Hoàng Thị Phúc người dân trong bản chia sẻ.

Theo một kỹ sư về thủy lợi cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc các giếng, ao bị mất nước có thể là do quá trình tư vấn thiết kế công trình, khi khảo sát đã không dự đoán được hiện tượng rút nước các vùng xung quanh khi đào móng công trình là kênh dẫn, hầm tuynel... làm giảm cao độ mực nước ngầm khiến cho các giếng nước, ao bị mất nước.

Sản xuất gặp nhiều khó khăn vì ao, ruộng cạn nước.

Nếu lường trước việc này, đơn vị tư vấn phải có khuyến cáo, chỉ dẫn khi thi công. Thậm chí kiến nghị phương án cấp nước bằng nguồn nước khác cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án, không gây khó khăn cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân bản Mé Mận.

Trong quá trình thi công mà gây hư hỏng các công trình thì nhà thầu thi công phải bồi thường, nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về chủ đầu tư vì phải giám sát thi công.

Trước những thiệt hại của hàng chục hộ dân trong nổ mìn phá đá chúng tôi đặt câu hỏi: Đơn vị thi công có được cấp phép nổ mìn hay không và vì sao công trình thi công ngay sát khu dân cư mà vẫn được cấp phép nổ mìn, việc ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất sẽ được chủ đầu tư giải quyết ra sao?  Những vấn đề này, VOV sẽ tiếp tục đề cập./.