Đến tận bây giờ các hộ dân trong Khu tái định cư vẫn phải kéo nhờ điện, nước từ khu vực dân cư lân cận, gây hao phí lớn và mất an toàn. Nhiều hạng mục của dự án trước đây đã hoàn thiện, do không được quản lý nên hư hỏng nặng.
Những ống nước được bó thành bó, đoạn thì treo trên cột điện, đoạn vắt ngang qua đường, lơ lửng trên đầu người, đoạn lại chôn dưới đất, rồi chui cả vào mương nước thải hay nằm dưới hố ga đen ngòm... Đó là ấn tượng đầu tiên, đập vào mắt mọi người khi đến khu tái định cư Cây Lim ở tổ 1, phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng.
Ông Đặng Văn Lâm, một người dân trong Khu tái định cư Cây Lim giải thích, đây là đường ống nước của các hộ dân trong khu tái định cư kéo nhờ từ các khu dân cư lân cận về để dùng, vì đến nay, sau gần 20 năm xây dựng, khu tái định cư này vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa có có điện, nước sinh hoạt. Hơn 40 hộ trong khu tái định cư, mỗi nhà kéo nhờ 1 ngõ, 1 xóm, nên các đường ống chằng chịt, đan xen lẫn nhau; nhiều hộ, công-tơ nước cách nhà tới 300 - 400m.
Theo ông Đặng Văn Lâm: "Tôi xây nhà từ đầu 2015, đến nay là 6 năm. Về đây, phải đi từng nhà một xin người ta để mình đấu công tơ lấy nước dùng. Nước nhà tôi hiện đấu nhờ bên xóm 6, qua đầu mương bên kia. Nhiều hộ giờ đường nước đang đấu nhờ với nhau, kéo từ 4 hướng của tái định cư. Nói chung là đường nước rất xa và không an toàn. Nhà nào tiện xin đâu thì kéo ở đấy. Một số nhà làm nhà mới không còn chỗ nào để kéo vì nhiều công tơ quá, không cho kéo nữa".
Không chỉ đấu nhờ đường nước, các hộ dân ở đây cũng phải tự kéo nhờ điện lưới từ các xóm lân cận, vừa mất an toàn, vừa hao tổn điện năng. Vừa qua, sau nhiều lần người dân kiến nghị, điện lực Hải An mới triển khai được khoảng 200m đường điện chạy dọc khu tái định cư, đáp ứng nhu cầu dùng điện của khoảng 1/4 số hộ trong khu.
Khu tái định cư không điện, không nước này chỉ cách UBND quận Hải An và cách con đường Lê Hồng Phong hoa lệ của thành phố Hải Phòng chừng hơn 1 cây số. Do không được quản lý, trông coi, nên kể cả những hạng mục vốn đã hoàn thiện như vỉa hè, đường thoát nước... cũng xuống cấp, hư hỏng nặng.
Vỉa hè trước đây đã được lát gạch, nay bị lột cả gạch lên để trồng hoa, thậm chí đào thành ao. Hố ga bị mất lắp, trở thành nơi lấy nước tưới cây hoặc chứa đầy rác, bùn đất.
Anh Nguyễn Văn Thành, người dân khu tái định cư Cây Lim cho biết, cứ trời mưa là nước từ hệ thống thoát nước lại dềnh lên, gây ngập lụt. "Đường cống bị vỡ hết lắp cống. Tắc cống không thoát được. Từ năm 2018 tôi về đây, không có ai đến xem xét đường cống, vỉa hè. Rác lấp đầy cống gây tắc. Mùa mưa hay bị ngập lụt. Vỉa hè sập, nhiều cỏ mọc".
Khu tái định cư Cây Lim được xây dựng từ năm 2003 theo Quyết định 884 của UBND thành phố Hải Phòng, do UBND phường Đằng Hải (khi đó là xã Đằng Hải, huyện An Hải) làm chủ đầu tư. Các hộ dân trong khu tái định cư được cấp đất, cấp sổ đỏ và đã đóng tiền điện, tiền nước đầy đủ.
Tuy nhiên, đến năm 2006, thành phố Hải Phòng tiến hành thanh tra nên việc thi công các hạng mục của dự án bị ảnh hưởng. Sau khi có kết luận thanh tra, vì nhiều lý do từ phía chủ đầu tư nên việc triển khai dự án bị tạm dừng. Từ đó đến nay, dự án bị rơi vào tình trạng "đem con bỏ chợ".
Việc này khiến nhiều hộ dân "đi không đặng, ở không xong", như trường hợp anh Lê Xuân Hùng: "Năm 2019, tôi có mua 1 lô đất ở đây, mong muốn về đây xây nhà. Nhưng nhà giờ vẫn đi thuê, không dám xây, vì điện không có, nước cũng không. Đất đổ đầy lên mặt hố ga, các hố ga đều sập hết, đường nước không thoát được, nước dềnh lên, bốc mùi kinh khủng. Chúng tôi mua về đây cũng không tìm hiểu kỹ, giờ "sống dở chết dở".
Các hộ dân khu tái định cư Cây Lim đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên chính quyền phường Đằng Hải về tình trạng hạ tầng dang dở nhưng câu trả lời người dân nhận được là: Đây là tồn tại của các nhiệm kỳ trước và UBND phường hiện không còn đủ khả năng để thực hiện dự án. Được biết, UBND phường Đằng Hải cũng đã gửi kiến nghị của người dân lên UBND quận Hải An nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được cải thiện.
Sau những mỏi mòn chờ đợi của người dân và cả những "nỗ lực" của các cấp chính quyền, người dân vẫn phải dùng nhờ điện nước, vẫn phải dùng nước từ những đường ống chui trong mương nước thải, hố ga, vẫn phải sống chung với tình trạng ngập rác và ô nhiễm môi trường./.