Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã chính thức được HĐND tỉnh lần thứ 8, khóa VIII phê duyệt. Đề án nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên môn hóa, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch một bộ phận lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn.

Trong đó phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5% trở lên, thu nhập của nông dân tăng hai lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ nghèo 2% mỗi năm.

Đề án tái cơ cấu của tỉnh Đồng Tháp cũng đã xác định tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, cá tra, vịt, hoa kiểng và phân bổ lại lao động nông thôn, tạo việc làm đầy đủ, phù hợp trên thị trường lao động chính thức để tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

anh_tintuc_lbcq.jpgCá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp. (Ảnh: Internet)
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh là kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm các chính sách mới và đổi mới thể chế để triển khai đề án như: Chính sách mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng lớn, hỗ trợ san bằng đồng ruộng ở những vùng chuyên canh tập trung, chính sách đầu tư công.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp sẽ tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân; tăng quy mô và sử dụng hiệu quả đầu tư công; đẩy mạnh cơ giới hoá, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; đẩy mạnh việc rút lao động ra khỏi nông nghiệp; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường thu hút và đào tạo tri thức.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh: Cần thay đổi quy mô sản xuất manh mún, sản xuất theo phương thức truyền thống, không có định hướng. Việc tái cơ cấu nông nghiệp sẽ hướng các doanh nghiệp gắn với chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Chính doanh nghiệp sẽ mang thông tin của thị trường để dẫn dắt người sản xuất. Tiếng nói của doanh nghiệp và người tiêu thụ sẽ quyết định, không phải là sự chủ quan của chính quyền mà bỏ qua yếu tố thị trường./.