Hôm nay (5/1), ngày đầu tiên làm việc trở lại tại châu Âu sau 2 tuần nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, đồng euro tiếp tục sụt giảm mạnh, xuống dưới mức 1,2 USD, mức thấp nhất kể từ 9 năm qua. Tại sao lại có sự sụt giảm liên tục của đồng euro và tác động sẽ như thế nào.

Ngay lúc 8h sáng, đồng tiền chung châu Âu chỉ còn đạt 1.195 USD, dưới ngưỡng 1,2 USD của cuối tuần trước. Với mức sụt giảm này, đồng euro đang ở ngưỡng thấp nhất kể từ năm 2005 – khi đó, 1 euro chỉ đạt được hơn 1.18 USD. 

eu1_lwab.jpg
Tại sao lại có sự sụt giảm liên tục của đồng euro như vậy?

Có 2 nguyên nhân lý giải sự sụt giảm này. Thứ nhất, là do tuyên bố của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu ECB Mario Draghi về các biện pháp mà ngân hàng này có thể áp dụng để tránh tình trạng thiểu phát mà biện pháp hay thực hiện nhất gọi tắt là QE (tức là Nới lỏng định lượng). Nói một cách đơn giản là bơm tiền vào thị trường để kích thích kinh tế và một khi đồng euro bị bơm vào lưu thông nhiều giá trị của nó sẽ bị pha loãng, tức là giảm giá trị so với các đồng tiền mạnh khác, đáng quan tâm nhất là so với USD và đồng yên của Nhật.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể mua thêm trái phiếu chính phủ của các nước đang khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha, mà các trái phiếu này bị xếp trong diện rủi ro. Rõ ràng, khi mang đồng euro đi mua cái rủi ro, đương nhiên giá trị của đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm xuống.

Thứ hai, nguy cơ khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Hy Lạp đe dọa sức mạnh, thậm chí sự sống còn của đồng euro và càng khiến đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn. Châu Âu đang nín thở chờ đến ngày bầu cử 25/1 tại Hy lạp để xem lực lượng nào lên cầm quyền, bởi phe tả tại Hy lạp tuyên bố nếu chiến thắng, sẽ rút khỏi EU và thay đổi các chính sách kinh tế căn bản, xóa bỏ những khắc khổ mà EU yêu cầu nước này phải thực hiện. Khi đó, giấc mơ nhất thể hóa sẽ có nguy cơ tan vỡ.

Nhìn một cách tổng quan, dĩ nhiên, sự yếu kém thực sự của kinh tế khu vực châu Âu so với những tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế Mỹ là một hiện thực và khiến đồng euro mất giá so với USD. Hai nền kinh tế đầu tàu của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro là Đức và Pháp đang gặp khó khăn, trong khi các nền kinh tế khác rơi vào ì trệ và thậm chí có nguy cơ khủng hoảng. Nhưng các biện pháp tài chính (như biện pháp Nới lỏng định lượng) cũng góp phần làm đồng euro giảm giá; lâu dài hay tạm thời thì còn phải chờ hiệu quả của các biện pháp này ra sao. Thêm nữa, khủng hoảng về lòng tin mới là một nguyên nhân và một thực tế đáng lo ngại.

Bởi chưa rõ thực hư nền kinh tế châu Âu yếu kém đến đâu, nhưng riêng lòng tin bị hao mòn nghiêm trọng đối với sức mạnh của đồng euro và nhất thể hóa đã ngay lập tức đẩy giá trị đồng tiền chung ngày càng giảm mạnh.

Tác động 

Trong khi những chính sách tài chính tiền tệ ở tầm vĩ mô này chưa có tác động rõ nét đến các hàng hóa thiết yếu trong cuộc sống, thì tác động suy giảm về lòng tin lại nhìn thấy rõ. Lòng tin một khi đã suy giảm mà không có những biện pháp củng cố mạnh mẽ thì càng xuống dốc.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu mong muốn các nhà lãnh đạo khu vực ủng hộ các biện pháp tiền tệ mạnh tay để vực dậy kinh tế khu vực, lại là những nghi ngại ngày càng nhiều. Rất có thể với sự quản lý chặt và quyết tâm cải cách, châu Âu sẽ thành công với các biện pháp tài chính này, và khi đó, sự sụt giảm của đồng euro sẽ chỉ là tạm thời.

Nhưng điều dư luận lo ngại là khoảng cách mất cân đối giữa 28 quốc gia thành viên sẽ càng bị nới rộng ra khi mà các biện pháp khắc khổ không phát huy hiệu quả đồng đều. Khi ấy, đồng euro sẽ sụt giảm thực sự và kéo dài, và tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, của đời sống xã hội là điều khó tránh khỏi.

Trong khi mọi ánh mắt đều hướng về khả năng làm đầu tàu của nền kinh tế đang vững vàng nhất khu vực mà Đức, từ phía Đức yêu cầu phải có những cải cải cấu trúc một cách nghiêm túc song hành với các biện pháp tài chính tiền tệ.

Chuyên gia thuộc Ngân hàng Trung ương Đức Stefan Schneider còn nhắm thẳng vào hai nước Pháp và Italia, cho rằng hai nước này phải lập tức triển khai những cải cách mang lại hiệu quả thực sự.

Cải cách luật lao động, cải cách căn bản thị trường lao động cũng như các chính sách thuế và chi tiêu công… cũng là những biện pháp khẩn cấp được khuyến nghị thực hiện để vực dậy đồng euro. Nói tóm lại, châu Âu đang phải ép mình thực hiện một chiến lược cải cách toàn diện và quyết liệt./.