Mấy năm nay, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở xã miền núi Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đầu tư trồng rừng, mang lại nguồn thu đáng kể, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng rừng keo nguy cơ xói mòn đất, môi trường bị xâm hại. Gần đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, giúp người dân vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Trước đây, chị Hồ Thị Thanh Toả, ở thôn Tà Lang, xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang nhận diện tích khoán của Nhà nước để trồng 5 ha đất rừng. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên khu rừng keo đã phát triển tốt. Vụ khai thác năm nay, gia đình chị Toả thu về khoảng 350 triệu đồng.
Chị Toả cho biết, nhờ trồng rừng, gia đình giờ đã ổn định hơn, có tiền làm nhà và mua sắm xe máy, tivi, các vật dụng cần thiết trong gia đình. Hiện nay, chị Hồ Thị Thanh Toả còn vận động, hướng dẫn bà con vùng đồng bào cơ Tu phát triển kinh tế rừng.
“Đồng bào Cơ Tu rất khó khăn nhưng từ khi có dự án của nhà nước giao đất, giao rừng cho bà con phát triển kinh tế từng bước đạt hiệu quả, đời sống ngày càng đi lên. Người dân Cơ Tu vận động và tuyên truyền cho nhau cách trồng rừng để không còn những hộ nghèo, đói. Trong năm mới, gia đình sẽ chuyển sang trồng cây gỗ lớn, gỗ lâu năm”, chị Tỏa cho hay.
Bây giờ, gần 200 hộ đồng bào Cơ Tu ở xã Hoà Bắc có cuộc sống khấm khá hơn nhờ phát triển trồng rừng. Người Cơ Tu ở đây không còn phá rừng làm nương rẫy, biết làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Nguyễn Văn Lâm, ở xã Hoà Bắc cho biết, khi đã có vốn liếng ổn định cuộc sống, gia đình đã dần chuyển từ trồng cây keo ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn.
“Hiện nay rừng phát triển rất tốt, một số diện tích đã cho khai thác giúp gia đình có thu nhâph gần 300 triệu đồng. Gần đây chính quyền còn có chủ trương khuyến khích bà con trồng rừng cây gỗ lớn, tạo điều kiện cho bà con phát triển vững hơn so với cây keo, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Lâm cho biết.
Huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng có hơn 17.000 ha đất rừng sản xuất. Ngoài chính sách ưu đãi của nhà nước đối với bà con, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tốt nhất để người dân có điều kiện phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ đã đầu tư vào trồng rừng, đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Mỗi vụ thu hoạch keo, có hộ thu về từ 200 - 400 triệu đồng.
Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ khi có chính sách giao đất, giao rừng của nhà nước, bà con đã nhận đất và tích cực trồng rừng.
“Từ khi bà con chuyển đổi đất làm nương rẫy sang trồng cây keo đến nay, nhiều hộ gia đình đã vươn lên trong cuộc sống thoát nghèo và đặc biệt có những hộ đã vươn lên làm giàu. Một số bà con đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây keo sang trồng cây gỗ lớn, địa phương cũng đã hỗ trợ cho bà con để đầu tư phát triển mô hình này”, ông Thanh khẳng định.
Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. Hiện, đã có 41 tổ chức, hộ gia đình đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích gần 800 ha.
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, để chính sách phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn đến được với người dân và bảo đảm mục tiêu đề ra, Sở kiến nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương phê duyệt dự án hỗ trợ thành nhiều đợt. Theo đó, đợt 1 này, thành phố dành hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn.
“Thực hiện Nghị quyết 254 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn Đà Nẵng. Trong đợt này, Sở đã xây dựng kế hoạch để trình UBND phê duyệt hỗ trợ đợt 1, trồng mới 12 triệu ha, chuyển hoá 8 triệu ha cây trồng. Trước đây, trồng rừng cần khoảng 4 - 5 năm khai thác 1 chu kỳ, nhưng nay trồng rừng gỗ lớn khoảng 10 năm khai thác 1 chu kỳ nhưng hiệu quả kinh tế mang lại sẽ tăng gấp 1,5 lần”, ông Phương cho biết./.