Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 3/2014 với nhận định: “Số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng10/2013”.

Cụ thể, theo khảo sát của HSBC, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được động lực vào cuối quý I/2014. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại. Tuy nhiên, việc làm đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 6/2013. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí đã chậm lại và các công ty đã giảm nhẹ giá bán hàng.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa (một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất) đạt mức 51,3 điểm trong tháng 3 cho thấy một mức cải thiện vừa phải về các điều kiện kinh doanh. Kết quả chỉ số đã tăng nhẹ từ mức 51 điểm của tháng 2 và ghi nhận sự cải thiện về các điều kiện hoạt động trong 7 tháng liên tiếp.

Tháng 3 có mức tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới với tốc độ gia tăng là mạnh nhất trong thời kỳ 5 tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trong tháng 3 sau khi giảm nhẹ trong tháng trước, giúp các công ty sản xuất tăng sản lượng trong suốt 6 tháng. Hơn nữa, tốc độ tăng nhanh hơn tháng trước đó.

Cùng với đó, HSBC cho biết, yêu cầu sản lượng tăng lên đã làm cho các công ty phải gia tăng hoạt động mua hàng. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng 7 tháng liên tục và với một tốc độ nhanh và chỉ chậm hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 1. Mặc dù vậy, tồn kho hàng mua tiếp tục giảm nhẹ khi hàng hóa đầu vào được tiêu thụ trong quá trình sản xuất. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm, mặc dù tốc độ giảm mạnh khi một số thành viên nhóm khảo sát cho biết hàng hóa thành phẩm đã được giữ trong kho chứ không chuyển giao cho khách hàng.

Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC, bình luận: “Mức tăng sản lượng của lĩnh vực sản xuất phản ánh thành tích xuất sắc của Việt Nam về xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đi các đối tác trong khu vực nơi mà tình trạng đình trệ của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu. Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực sản xuất tiếp tục được hưởng lợi từ tăng đầu tư nước ngoài vào sản xuất, chi phí đầu vào giảm và nhu cầu ở các nước phương Tây được cải thiện”./.