Tham dự hội thảo có 80 doanh nghiệp Việt Nam và Lào, trong đó có 50 doanh nghiệp Lào và các thành viên Hội nữ doanh nhân vừa và nhỏ thành phố Hà Nội.

Tại hội thảo, các đại biểu Việt Nam và Lào đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thúc đẩy thương mại, đầu tư trên tất cả các mặt, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng hóa, du lịch và dịch vụ vào các tỉnh Bắc Lào, cụ thể là tỉnh Luang Prabang với Hội nữ doanh nhân Hà Nội. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên trao đổi, hiểu biết lẫn nhau, cùng tìm giải pháp giao thương, đầu tư, hỗ trợ cùng phát triển.

lao123_wsxx.jpg
Tổng lãnh sự Trần Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho biết, qua 19 năm hoạt động, đến nay Hội đã thu hút trên 1.200 hội viên tham gia trên nhiều lĩnh vực ngành hàng như: may mặc, da giầy, thêu ren, dệt len, lụa tơ tằm, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, chế tác vàng bạc, tranh thêu, sơn mài, đá quý, chế biến thực phẩm, nội thất, có thể thâm nhập thị trường các tỉnh Bắc Lào.

Nhân dịp này, Hội nữ doanh nhân Hà Nội mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Lào nói chung và tỉnh Luang Prabang nói riêng.

Bắc Lào gồm 8 tỉnh là khu vực chậm phát triển của Lào; mức đóng góp GDP cho cả nước chỉ đạt mức 15,3%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 700 USD/1 năm. Tuy nhiên vùng đất này có thế mạnh và tiềm năng về khoáng sản, thủy điện nhỏ, trồng cây công nghiệp và du lịch, dịch vụ.

Hiện có khoảng 127 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam với số vốn đăng ký xấp xỉ 302 triệu USD (bằng 5,9% tổng số vốn của Việt Nam đăng ký đầu tư vào Lào), nhưng chủ yếu là các dự án nhỏ, chưa tương xứng với mối quan hệ đặc biệt của hai nước./.