Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2018 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức sáng 8/1, khó khăn vướng mắc được doanh nghiệp kiến nghị chủ yếu là giá thuê đất còn cao, thực hiện chính sách thuế còn nhiêu khê; thiếu chính sách về hỗ trợ đào tạo lao động và xây dựng thương hiệu.

vov_toan_canh_hoi_nghi_2__ravc.jpg
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chủ trì hội nghị

Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cà phê An Thái, Đắk Lắk, hiện số lượng doanh nghiệp sử dụng logo BuonMaThuot Coffee vào trong sản phẩm riêng của mình vẫn chưa nhiều, chưa tạo ra được hiệu ứng có tính quảng bá. Do đó, tỉnh cần có những chiến lược cụ thể cho các ngành hàng chủ lực.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê An Thái phát biểu tại hội nghị

“Mong Ủy ban nhân dân tỉnh có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hơn việc sử dụng logo nhận diện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, để làm sao sản phẩm của doanh nghiệp khi lan tỏa trên thị trường sẽ mang theo hình ảnh của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng cho việc phát triển các cây như sầu riêng, bơ, mãng cầu hay chanh dây. Do đó, ngoài củng cố phát triển cà phê thì mong tỉnh có chính sách khuyến khích, hoặc tạo ra cơ chế để bảo hộ hoặc xây dựng thương hiệu bơ, tiêu, sầu riêng”, ông Nguyễn Xuân Lợi nêu ý kiến.

Sau khi tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cần tham mưu, giải quyết theo thẩm quyền. UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để xem xét, điều chỉnh phù hợp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.

Năm 2018, tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 9,25% so với cùng kỳ năm trước; 256 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 753 doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập chi nhánh, nâng số doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh lên 8.264 doanh nghiệp./.