Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tại Hà Nội, chiều nay (2/5), ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng không ít đơn vị đang xây dựng kế hoạch đầu tư mới và đầu tư bổ sung trong thời gian tới. 

vov_fdi_aiiv.jpg
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn còn có một số điểm bất cập. Ông Nobufumi Miura thẳng thắn chỉ rõ: Do tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp, phía doanh nghiệp không thể ứng phó kịp thời, dẫn đến tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Ông Nobufumi Miura

"Xét trên quan điểm bảo vệ nhà đầu tư, khi thực thi quy định pháp luật và chính sách mới, chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam sẽ có đầy đủ giải pháp trong giai đoạn chuyển đổi để không làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.

Ông Nobufumi Miura cũng cho rằng, thủ tục hành chính tại Việt Nam còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc. Đây là yếu tố cản trở hoạt động đầu tư liên tục của doanh nghiệp. Ông mong Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ lạc quan về nền kinh tế.

Ông Hong Sun

Nhiều công ty Hàn Quốc đầu tư thêm vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam, ông Hong Sun cho hay. Song, ông cũng chỉ ra rằng, để thu hút đầu tư công nghệ cao, bắt buộc các bộ luật và thể chế của Việt Nam phải có một số cải cách cần thiết.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định, hiện tại là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi mới và táo bạo về chính sách, mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp đầy triển vọng trong tương lai như xe điện và năng lượng mặt trời.

Quan ngại về thuế, thiếu hụt điện và ô nhiễm không khí, bà Virginia Footer - Phó chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) lưu ý, các nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao không chỉ giúp phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái của các công ty và doanh nhân địa phương tại đây. 

Bà Virginia Footer

Amcham nhìn thấy những cơ hội to lớn ở Việt Nam - cho cả khu vực doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo bà Virginia, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang đẩy nguy cơ tập trung các cơ sở sản xuất tại một quốc gia cũng như kích hoạt việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. "Chúng tôi thấy các công ty chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang ở một ví trị sẵn sàng đón nhận những cơ hội như thế này", bà đánh giá.

Bà Virginia cho rằng nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì sự đầu tư đã có ở đây.

Ngoài ra, theo đại diện của Amcham, thuế suất và chính sách được xem là rào cản đáng kể cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với nhu cầu năng lượng điện, có một nhu cầu rõ ràng và cấp bách để giải quyết sự thiếu hụt ngày càng nghiêm trong nguồn cung so với nhu cầu về điện - đặc biệt ở khu vực phía Nam. Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam cũng lo ngại về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí và sự xuống cấp của môi trường, bà Virginia nêu rõ.

Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc khu vực cấp cao IFC Việt Nam, Campuchia và Lào nêu quan điểm:Thách thức đặc biệt là khả năng cạnh tranh chuỗi cung ứng - một cơ hội cho nhiều ngành kinh tế bao gồm sản xuất, nông nghiệp và công nghệ. 

Ông Kyle Kelhofer

Trong 20 năm làm việc với nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Kyle Kelhofer đã làm việc tại hơn 50 quốc gia và hầu hết các quốc gia này vẫn đang khao khát đạt được mức vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Kyle Kelhofer, Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất và lắp ráp linh kiện trung cấp. Điều này là hoàn toàn tốt, nhưng để đạt được giá trị thực sự và đầy đủ thì Việt Nam cần đầu tư vào các hoạt động tiền sản xuất như đầu tư vào khâu thiết kế, đầu tư vào các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng như các hoạt động sau sản xuất bao gồm cả dịch vụ và tiếp thị kỹ thuật số.

Giám đốc khu vực cấp cao IFC khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiến hành xây dựng một chiến lược FDI cập nhật, tăng cường chuỗi cung ứng. Cụ thể, cần chủ động hướng tới mục tiêu khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; thu hút và phát triển doanh nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu dài; ưu đãi dựa trên hiệu suất.../.