Chủ đề doanh nghiệp và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những nội dung thảo luận quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra tại Hà Nội hôm nay (2/5).

det_may_pnwg.jpg
Nhiều đơn hàng lớn đã liên tiếp được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác ngay khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực. (Ảnh minh hoạ)

Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội

Các đại biểu tại phiên thảo luận cho rằng, bên cạnh các cơ hội lớn, doanh nghiệp Việt cũng phải đương đầu với không ít thách thức khi tham gia CPTPP. Để có được những lô hàng lớn đến các thị trường khó tính, doanh nghiệp phải có lợi thế cạnh tranh cốt lõi như sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh...

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi CPTPP có hiệu lực và đi vào thực thi đã có những doanh nghiệp chủ động tận dụng được cơ hội.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP đã tăng cao. Như với Nhật Bản đạt 2,9 tỉ USD, tăng cao hơn so với 2,6 tỉ USD cùng kỳ; Canada đạt 506,8 triệu USD so với 370,9 triệu USD; Mexico đạt 321 triệu USD trong khi cùng kỳ là 289 triệu USD...

Đáng chú ý là đã có 269 giấy chứng nhận xuất xứ (CO) theo mẫu CPTPP được cấp kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đã bước đầu hiện thực hóa cơ hội từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Ngô Chung Khanh

CPTPP là thị trường có quy mô lên tới 13% GDP toàn cầu, chiếm 14,4% thương mại thế giới nên đặt ra nhiều kỳ vọng cho hàng hóa Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập được vào các thị trường khó tính trong CPTPP, ông Khanh cho hay.

Thị trường này có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa khoảng 2.445 tỉ USD, trong khi đó Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được khoảng 34 tỉ USD (chiếm 1,4%) là con số rất khiêm tốn. Để có thể hưởng được ưu đãi thuế từ CPTPP, ngoài việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần phải xây dựng được nền tảng năng lực cạnh tranh vững chắc trên cơ sở sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), để đón đầu cơ hội từ CPTPP hay các FTA, vấn đề quan trọng nhất là sự chuẩn bị các nguồn lực. Theo đó, doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài, nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng cần chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu cơ hội.

Bài toán khó cho doanh nghiệp

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Thư ký của Hiệp hội Da giày cho biết, sự tăng trưởng, xuất khẩu của ngành da giày những năm gần đây khá đáng kể. 

Bà Phan Thị Thanh Xuân

"Chúng tôi tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho doanh nghiệp thực thi CPTPP. Tuy nhiên, theo khảo sát, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này. Doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin, nguồn nguyên liệu... Chúng ta có thể tự tin sản xuất giày thể thao nhưng thách thức là giày da, chúng ta nhập khẩu lớn. Đển đáp ứng rào cản về thương mại, kỹ thuật, chúng ta cần có chiến lược. Câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thuở", bà Xuân nói. 

Từ đó, bà Xuân kiến nghị có nghị định riêng cho ngành da giày: "Cùng một chính sách, không thể áp dụng cho từng ngành được. Chúng ta cần có chiến lược, quy hoạch, cần có sức mạnh. Chúng ta nên có bàn thảo cụ thể, nghị định riêng cho các ngành".

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, hiện không có sự thống nhất giữa mỗi địa phương với Nhà nước. "Nếu mua vải trong nước, phải mất 10% VAT nhưng bao giờ chúng tôi mới được thoái mới quan trọng. Giá của ngành dệt may Việt Nam không tăng giá 5 năm nay, xuất khẩu không tăng nhưng mà chi phí y tế, xuất khẩu... tăng. Giờ lao động càng ngày bị thắt chặt. Đây là một bài toán rất khó cho doanh nghiệp", ông Giang nói.

"Theo tôi, doanh nghiệp chỉ được hưởng một ít ở hiệp định CPTPP. Tôi cho rằng phải có một cuộc tranh luận, phân tích thấu đáo. Cơ quan quản lý nhà nước cùng ngồi với ngành để giải quyết vấn đề", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định. 

Ông Trần Quốc Khánh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nếu mua vải trong nước thì phải trả tiền vải, trả 10% thuế GTGT trong khi nếu nhập khẩu vải thì lại không mất. "Nhà nước đã có ý đánh thuế vải nhập khẩu nhưng ngành bệt may lại phản đối ý kiến này của Bộ tài chính", ông Khánh nói.

Đại diện Bộ Công thương thông tin thêm: Thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu (EU). Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn.

Trước Việt Nam, CPTPP đã có hiệu lực với 6 nước từ 30/12/2018, là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Bao gồm 11 quốc gia, Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2030./.