Sáng 15/10, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức “Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp 2014” với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các chuyên gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản, chiếm 1,6% tổng số doanh nghiệp cả nước, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2013, cả nước thành lập mới hơn 1.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản, giảm 14% so với năm 2012, trong khi đó hơn 1.330 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Thời gian qua, việc khuyến khích đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp trong hợp tác công tư về nông nghiệp kết quả còn thấp. Đến nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp 7,1% GDP trong lĩnh vực Nông - Lâm - Thủy sản; trong toàn bộ nền kinh tế khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ đóng góp 12% GDP.

dien_dan_afjn.jpgDiễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp 2014.
Những nội dung chính được thảo luận tại hội nghị, là việc tiếp cận nguồn vốn và những cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; đầu ra tiêu thụ nông sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; cơ chế chính sách về đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…

Bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc công ty TNHH Mía đường Cồn Long Mỹ Phát, tỉnh Hậu Giang nêu ý kiến: Việc tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp hiện nay rất khó. Trước đây, doanh nghiệp xây dựng nhà máy đường phải bỏ tài sản ra để thế chấp ngân hàng vay vốn. Hiện nay Chính phủ tạo cơ chế cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp, tuy nhiên doanh nghiệp muốn vay vốn cũng không được, bởi tài sản đã thế chấp hết cho ngân hàng.

“Nếu không có vốn, nhà máy sẽ không sản xuất được, doanh nghiệp sẽ thua lỗ, nông dân thiệt hại và người lao động mất việc làm. Đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở thực tế, nếu chỉ là thủ tục chung để vay vốn ngân hàng thì doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn”, bà Quy đề xuất./.