Về vấn đề này, ông Diệp Kỉnh Tần- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Trong số các tổng công ty 91, Tập đoàn Công nghiệp Cao su là đơn vị đầu tư ngoài ngành nhiều nhất, họ đầu tư cả vào chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn, giao thông…

sxnnh12.jpg

Vừa rồi, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ đã làm việc với lãnh đạo tập đoàn và yêu cầu rà soát lại các lĩnh vực đầu tư, tiến hành thoái vốn dần dần khỏi các dự án ngoài ngành. Song tinh thần của Bộ là không làm ồ ạt, mà có lộ trình thoái vốn theo nguyên tắc bảo toàn vốn và phù hợp với quy định của pháp luật để tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính.

Dẫn chứng Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành lớn, ngoài lĩnh vực xây dựng, vận tải còn đầu tư cả vào chứng khoán, ngân hàng, ông Tần cho biết: Quan điểm của Bộ là, yêu cầu họ dứt khoát phải thoái vốn ra các dự án đó ngay từ năm 2012 và đến năm 2013 phải thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án ngoài ngành.

“Tinh thần của Bộ NNPTNT là yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty dần dần thoái vốn ra khỏi những dự án mà họ đã tham gia, không triển khai thêm những dự án mới. Đồng thời, từ nay trở đi cấm hoàn toàn việc các DN nông nghiệp đầu tư ra ngoài ngành, chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính” - Thứ trưởng Tần nhấn mạnh.

Liên quan đến việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su do đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành quá lớn, nên vừa rồi có đã đề nghị được vay vốn của nước ngoài và đã được Bộ NNPTNT chấp thuận ông Diệp Kỉnh Tần cho rằng: “Sở dĩ Tập đoàn Cao su muốn vay vốn nước ngoài là do họ đầu tư trồng cao su ở Lào, Campuchia rất lớn, nếu vay bằng tiền Việt, lãi suất sẽ rất cao, nên họ phải vay bằng ngoại tệ. Song đối với Tập đoàn Cao su, vấn đề này cũng không có gì đáng lo ngại, vì kim ngạch xuất khẩu cao su lớn, nên tập đoàn có ngoại tệ để trả nợ được, còn đối với các doanh nghiệp khác thì đúng là rất khó có thể vay vốn nước ngoài như cao su được”./.