Chính phủ đã có quy định về giám sát tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) như Quyết định 224 ngày 6/10/2006 có quy chế giám sát tài chính với DNNN; Quyết định 169 năm 2007 về quy chế giám sát với DNNN làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả…

Tuy nhiên, trong trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: “Quá trình thực hiện các quy định này có nhiều bất cập, hạn chế. Theo tinh thần tiếp tục đổi mới quản lý tài chính với DNNN và DN nhà nước góp vốn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN và DN nhà nước bỏ vốn đầu tư. Quy chế này sẽ thay thế cho cả 2 quy chế trước đó”.

PV: Văn bản này hiện đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, soạn thảo. Bộ trưởng có thể cho biết, so với trước, quy định này có điểm gì mới?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Quy chế mới quy định 2 nội dung: giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động. Đối tượng bao quát cả 2 loại DN: DN mà NN làm chủ sở hữu: nắm giữ 100% vốn và DN nhà nước giữ cổ phần chi phối và DN có vốn nhà nước đầu tư. Nghĩa là chúng ta theo nguyên tắc: Ở đâu có vốn và tài sản nhà nước thì ở đó cần có giám sát hiệu quả.

PV: Vậy mục tiêu quan trọng nhất của quy chế này là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Quy chế không chỉ xem xét phân hạng các DN theo các tiêu chí A, B, C để xếp hạng DN, tính toán phân phối lợi nhuận, cơ chế chính sách chế độ với hội đồng thành viên, ban điều hành DN… mà mục tiêu là đánh giá thực trạng DN, xem xét các rủi ro tài chính. Hai là, đưa ra các cảnh báo từ cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp từ chủ sở hữu và giải pháp của DN để ngăn ngừa rui ro, đảm bảo tài chính DN lành mạnh, DN hoạt động hiệu quả.

Đối tượng được giám sát cũng mở rộng hơn. Bản thân DN cũng có sự tự giám sát: hội đồng thành viên, ban điều hành, các bộ phận tài chính - kế toán, kiểm soát nội bộ, các kiểm soát viên… có trách nhiệm kiểm soát thường xuyên, liên tục tình hình hoạt động, tài chính của DN, kiểm soát đột xuất theo chuyên đề khi có phát hiện có dấu hiệu bất bình thường trong hoạt động và tình hình tài chính DN.

Chủ sở hữu như bộ quản lý chuyên ngành, các sở, SCIC có động thái giám sát, yêu cầu DN có báo cáo giám sát định kì, đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Cơ quan quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực cũng thực hiện giám sát cả hai đối tượng: DN và đối với đại diện chủ sở hữu. Cơ quan quản lý Nhà nước có quyền và trách nhiệm công khai số liệu tài chính bằng biện pháp phù hợp. Ta sẽ thực hiện lộ trình theo đó tổng công ty, tập đoàn nhà nước công khai, cáo bạch tài chính tương tự như công ty đại chúng, đảm bảo tài chính minh bạch. Đây là điểm rất mới so với hiện hành.

Quy chế mới đề cập tính đầy đủ, tính hệ thống, và có phân biệt, cụ thể hóa với từng ngành nghề. DN hoạt động nhiều lĩnh vực nên tiêu chí đánh giá, nhất là về hiệu quả hoạt động cũng khác nhau.

Quy chế cũng quy định cả chế tài, đồng thời, cả điều khoản khen thưởng với DN và đại diện chủ sở hữu, trong trường hợp tốt hoặc không đầy đủ các trách nhiệm theo quy định.

Các chế tài với chủ sở hữu và DN được thiết kế theo các hình thức kỉ luật được quy định trong luật cán bộ, công chức và luật viên chức, từ khiển trách, cảnh cáo, đến cả miễn nhiệm, cách chức, không chỉ lãnh đạo DN, người quản lý điều hành mà cả đại diện chủ sở hữu.

PV: Giám sát sẽ tập trung và những lĩnh vực chính nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ:Giám sát chủ yếu vào việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN. Quy chế quy định tập trung giám sát:  tình hình đầu tư tài sản tại DN, tình hình huy động và sử dụng vốn, tình hình phát hành cổ phiếu, trái phiếu và tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN, cả trong nước và nước ngoài; đầu tư cả tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, hiệu quả đầu tư vốn ngoài DN. Các khoản thu phải trả, các hệ số đánh giá an toàn vốn của DN.

Hai là, tình hình bảo toàn, phát triển vốn của DN.

Ba là, giám sát tình hình kinh doanh của DN: tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, nợ phải trả tại một thời điểm cụ thể, kết quả kinh doanh theo một thời kì, và luân chuyển dòng tiền.

Như Công ty thủy sản Bình An gặp vấn đề dòng tiền tắc dù thực trạng tài sản, khả năng kinh doanh vẫn có. Lần này, chúng ta cũng rất chú trọng báo cáo luồng tiền, chu chuyển vốn.

Bốn là, giám sát tình hình thực hiện chính sách với người lao động: tiền lương, thu nhập như tương quan tiền lương, thu nhập giữa quản lý và người lao động, Công ty mẹ và công ty con.

Năm là, giám sát trong lĩnh vực đặc biệt: ngân hàng, sổ xố, chứng khoán…

PV: Điểm mới là lần này có quy định chế độ giám sát đặc biệt mà trước đây chưa có. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, các trường hợp phải giám sát đặc biệt, trách nhiệm của hội đồng thành viên, ban điều hành, ban kiểm sát trong trường hợp giám sát đặc biệt, các quy trình giám sát đặc biệt, xử lý với DN thuộc diện này?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: DN thuộc diện giám sát đặc biệt nếu có 2 năm liền kể từ khi có quyết định giám sát đặc biệt không còn lỗ, thực hiện báo cáo đầy đủ thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát. Trong trường hợp 2 năm liền còn thua lỗ, thì sẽ có giải pháp đặc biệt: cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu, kể cả xem xét hình thức phá sản.

Dự thảo quy định DN có thể bị đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm báo cáo tài chính năm hoặc phát hiện thông qua thanh tra, giám sát có tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh rơi vào một trong các trường hợp sau: một là, kinh doanh thua lỗ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn theo quy định. Hai là, có lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc tổng lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu. Ba là, hệ số khả năng thanh toán nợ quá hạn thấp hơn 0,5. Bốn là, báo cáo không đúng sự thật tình hình tài chính của DN, làm sai lệch kết quả, báo cáo kê khai gian dối như lãi thật, lỗ giả. Các DN hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán giám sát đặc biệt theo luật chuyên ngành.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.