Nghị định 08 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất nhựa trong việc tái chế sản phẩm nhựa. Đã hơn 7 tháng qua, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn chưa thực hiện được quy định này.
Chưa phân loại rác thải nên khó tái chế
Theo Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm nhựa, bao bì. Doanh nghiệp cũng được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện, đó là: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM chưa thực hiện được trách nhiệm này. Theo doanh nghiệp, việc thực hiện quy định này còn nhiều vướng mắc và khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là phân loại rác để tái chế. Bởi, ở TP.HCM rất ít khu dân cư thực hiện việc phân loại rác thải và cách làm cũng chưa chuyên nghiệp, đồng bộ, không thuận lợi cho doanh nghiệp thu gom, nên nếu để cho 1 mình doanh nghiệp tự làm sẽ rất khó.
Bà Phan Thị Thúy Phượng – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH sản xuất tổng hợp II, đường Tân Hóa, Quận 11 chia sẻ, mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 200 tấn bao bì. Thực hiện Nghị định này, từ tháng 8 này, công ty đã phối hợp với Hội Phụ nữ quận Gò Vấp phân loại rác thải, để thu gom túi nilong về tái chế và đổi lấy quà cho người dân. Nếu việc này thuận lợi, doanh nghiệp sẽ nhân rộng ra các quận, huyện khác.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khi thu gom túi nilong với số lượng lớn thì không có mặt bằng chứa. Đồng thời, các thủ tục về giấy phép tái chế cũng chưa được hướng dẫn cụ thể dù doanh nghiệp đã có sẵn máy móc, thiết bị để tái chế ra hạt nhựa.
Bà Phan Thị Thúy Phượng cho biết thêm: "Việc thu gom tận gốc để phân loại rác thải của người dân thì nhà nước phải tăng cường tuyên truyền giúp nâng cao ý thức phân loại rác thải, nhất là túi nilong. Đồng thời, việc thu gom và vận chuyển từ khu vực dân cư về nhà máy tái chế phải kết hợp như thế nào cho thuận lợi".
Doanh nghiệp cần hướng dẫn rõ ràng hơn
Một khó khăn nữa cũng khiến không ít doanh nghiệp lúng túng, đó là chưa xác định được sản phẩm nào họ phải thực hiện trách nhiệm tái chế, sản phẩm nào đơn vị mua hàng, đặt hàng gia công sẽ thực hiện nghĩa vụ đó…
Theo đại diện Công ty Cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân, đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, hiện nay, cơ quan chức năng đã triển khai, hướng dẫn các quy định của Nghị định 08 nhưng còn chung chung. Trong khi, ở TP.HCM ngành này có rất nhiều sản phẩm, loại hình sản xuất, kinh doanh khác nhau… Doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm ngành khác nhau để thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị định 08 cũng có nhiều nội dung chồng chéo với Thông tư 02 hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp khó thực hiện. Ví dụ như đối với doanh nghiệp sản xuất bình ắc quy, Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thu gom bình ắc quy cũ lưu giữ ở đại lý. Khi doanh nghiệp giao hàng cho đại lý có thể kết hợp thu gom phế thải này về tái chế.
Tuy nhiên, theo thông tư 02 thì không cho phép việc này mà yêu cầu doanh nghiệp thu gom riêng những phế phẩm bằng xe chuyên thu gom chất thải nguy hại. Trong khi, việc thu gom này, nhiều khi chỉ có vài bình ắc quy cũ ở 1 đại lý nên khó thực hiện.
Trước những vướng mắc của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn rõ ràng hơn để doanh nghiệp thuận lợi thực hiện. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm tái chế.
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Thái sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: "Trong báo báo hàng tháng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp sản xuất ra 100 tấn, nhưng sử dụng 70 tấn nhựa nguyên sinh, còn 30 tấn thì sử dụng các nguyên, vật liệu tái chế trong nước thì mình nên có chính sách gì đó cho doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế. Chúng ta cũng nên quy định rõ hơn như thế nào là tái chế. Hiện nay việc nhập khẩu nguyên liệu nhựa tốn rất nhiều ngoại tệ".
Hiện nay, không chỉ ở trong nước quy định mà doanh nghiệp ở TP.HCM khi xuất khẩu bao bì, sản phẩm nhựa sang thị trường châu Âu cũng phải sử dụng 30% nguyên liệu tái chế. Đây cũng là cách giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu hạt nhựa cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nghiệp cần được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện trách nhiệm của mình đối với sản phẩm thải ra môi trường. Vì thời gian tới, đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt. Mức xử phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng nếu doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm tái chế./.