Lãi suất vẫn còn cao, tài sản đảm bảo không có, đó là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng: Ngân hàng dư thừa vốn trong khi nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay.

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu thủy sản Phước Tiến từng là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả ở thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng không thoát khỏi đà sụt giảm.

Từ 15 nhà máy với hơn 3.000 công nhân trải dài khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước như Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng…với tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm 10 triệu đôla Mỹ, thì đến nay chỉ còn lại 2 nhà máy duy trì hoạt động cầm chừng với vỏn vẹn chưa tới 100 công nhân.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu thủy sản Phước Tiến cho biết: Doanh nghiệp đang khát vốn, nhưng khi gõ cửa ngân hàng thì luôn nhận được cái "lắc đầu"/

“Công ty mới tái khởi động lại một hợp đồng với Nhật khoảng 50.000 – 60.000 USD nhưng cũng gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn. Ngân hàng phải nhìn vào lịch sử phát triển của doanh nghiệp, người ta đóng góp như thế nào, có thị trường hay không, có khả năng phát triển hay không. Nếu như có đầy đủ điều kiện phát triển tốt thì cũng nên ưu tiên để doanh nghiệp có sức gượng dậy”, ông Tuấn nói.

Trong khi doanh nghiệp “khát vốn” thì hầu hết ngân hàng “bí đầu ra”. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều tung ra các gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng cho các nhóm đối tượng khách hàng, doanh nghiệp khác nhau để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, các ngân hàng cũng “chọn mặt gửi vàng”, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận tới các gói tín dụng ưu đãi.

Trong khi đó, ông Lê Diệp, Giám đốc Ngân hàng Vietcom Bank Chi nhánh Đà Nẵng khẳng định: Từ đầu năm đến nay, Vietcom Bank đã triển khai các gói tín dụng để đẩy mạnh tăng trưởng.

“Vietcom Bank cũng đã đưa ra 2 gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô 10.000 tỷ đồng; gói thứ 2 có 50.000 tỷ đồng và 1 tỷ USD. 2 gói này nằm trong chương trình cho vay ưu đãi nhằm đẩy mạnh đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Diệp cho biết.

Tuy vậy, cho đến nay, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ giải ngân được gần 200 tỷ, dư nợ chỉ chiếm 1,25%. Gói thứ 2 cũng chỉ giải ngân được hơn 2.700 tỷ đồng. Các gói tín dụng này có lãi suất ưu đãi, hấp dẫn, nhưng không dễ dàng để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vay này bởi những ràng buộc của ngân hàng.

Thực tế, các doanh nghiệp đủ điều kiện thì không có nhu cầu vay, còn phần lớn doanh nghiệp đang khó khăn, có nhu cầu thực sự về vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thì không thể với được các gói tín dụng ưu đãi.

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cung ứng tín dụng một cách hợp lý, nhằm hài hòa lợi ích của ngân hàng và doanh nghiệp.

“Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có văn bản gửi cho các ngân hàng thương mại, UBND các quận huyện, các hiệp hội ngành nghề yêu cầu rà soát tất cả hội viên của mình, các doanh nghiệp xem vướng mắc cụ thể với ngân hàng thương mại nào, ở những lĩnh vực nào. Cách giải quyết như vậy sẽ góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, ông Minh khẳng định.

UBND thành phố Đà Nẵng đã triển khai “Năm doanh nghiệp 2014”, trong đó, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn vốn 150 tỷ đồng, cùng với Quỹ đầu tư phát triển thành phố, hy vọng sẽ là “bà đỡ” tay cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.