Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa đóng tại thị xã Ninh Hòa, chuyên xử lý chất thải nguy hại cho các nhà máy, bệnh viện tại Nam Trung bộ. Những ngày này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng chất thải y tế phát sinh rất nhiều. Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa cho biết, việc đảm bảo phòng chống dịch không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến vấn đề xử lý chất thải y tế cho cả vùng. Hàng ngày, công nhân, phương tiện đi thu, gom rác thải đều phải thực hiện quy trình vệ sinh, phòng dịch nghiêm ngặt. Hiện nay, công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang giai đoạn 3.
Ông Hà Quang Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa cho biết: Công ty đang chuẩn bị các điều kiện để đưa số công nhân còn lại vào ở hẳn trong nhà máy, tránh tiếp xúc với cộng động đang có dịch rất phức tạp.
“Sản xuất cũng cầm chừng, tổ chức ăn, ngủ tại chỗ, thức ăn thì ship về. Cái đấy cũng là con dao 2 lưỡi vì sợ người có tiềm ẩn, có mầm mống. Đấy chỉ là phương án tốt nhất trong tất cả các phương án để duy trì hoạt động nhà máy. Chắc chắn là dịch thì nhà máy không dừng lại được, nếu dừng sẽ căng cho các đơn vị xả thải ra, đặc biệt là ngành y tế”, ông Hà Quang Hòa nói.
Trong khi đó, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu ở tỉnh Khánh Hòa cũng đã xây dựng phương án phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp có nhiều kịch bản để bảo vệ người lao động nhằm bảo đảm an toàn cho việc kinh doanh. Ông Võ Đình Dũng, Giám đốc một siêu thị ở thành phố Nha Trang cho biết, hiện siêu thị có khoảng 200 người lao động làm việc trực tiếp. Từ đầu tháng đến nay, siêu thị chia số người lao động ra làm 2 nhóm, thay phiên nhau làm việc, hạn chế tiếp xúc lẫn nhau.
“Làm từ sáng đến 3 giờ chiều, từ 3 giờ làm tới 10 giờ, 2 đội đó không được gặp nhau. Lỡ có trường hợp nào ở siêu thị, lỡ bị có F0 đi, trong 1 ca nào đó, nguyên nửa siêu thị đó không đi làm. Còn nửa siêu thị kia còn lại vẫn đi làm được, để duy được hoạt động của mình”, ông Võ Đình Dũng cho hay.
Khu công nghiệp Suối Dầu là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, hiện có hơn 12.000 lao động, đến nay đã ghi nhận gần 20 trường hợp F1, 150 trường hợp F2. Tại Khu Công nghiệp này, 2 doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động và 7 doanh nghiệp tổ chức cho người lao động ăn ở tại cơ sở sản xuất hoặc thuê khách sạn ở riêng với số lượng gần 2.000 người.
Trong khi đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng phối hợp với ngành y tế và các đơn vị liên quan tổ chức tầm soát, xét nghiệm cho tất cả người lao động trong các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp cũng đã được khử khuẩn và kích hoạt kịch bản ứng phó phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp đang hoạt động.
“Với một xác suất theo tỷ lệ giám sát, các nhà máy lớn chúng tôi đang lấy mẫu xét nghiệm PCR cho công nhân, ví dụ như Nhà máy đóng tàu, Khatoco và sẽ mở rộng thêm cho những đơn vị khác. Đặc biệt những nơi có yếu tố người nước ngoài, đông công nhân, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ và đồng thời lấy mẫu xét nghiệm để giám sát”, Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa thông tin.
UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Khu công nghiệp Suối Dầu phải thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, chủ động lên phương án ứng phó nếu xuất hiện F0; các doanh nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch phù hợp. Trước mắt, từng doanh nghiệp cần điều chỉnh lại phương án sản xuất, đánh giá mức độ an toàn.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các doanh nghiệp nên tổ chức cho công nhân ăn ở, làm việc tại chỗ và hạn chế tiếp xúc gần, thực hiện khai báo y tế hàng ngày: “Vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất. Các cấp các ngành, các chủ doanh nghiệp phải tính toán các phương án cụ thể. Đối với các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp khi di chuyển công nhân đến vị trí làm việc phải đảm bảo giãn cách. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp bố trí công nhân ăn, ở, sinh hoạt, làm việc tại chỗ trong vòng 14 ngày, để đảm bảo được phòng dịch”./.