Đầu quý 2 là thời điểm các doanh nghiệp lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh, thực hiện các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch. Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, doanh nghiệp như “ngồi trên lửa” vì những tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Để tồn tại và phát triển, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có những đổi mới nhất định, ứng dụng công nghệ vào hoạt động giao thương mua bán, bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.
Tại cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) đơn vị chủ động đổi mới mẫu mã, bao bì, nhãn mác, đồng thời chuyển hướng từ cách bán hàng truyền thống lâu nay sang hình thức bán hàng trực tuyến. Ông Phạm Văn Khải, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập, thị xã Sông Cầu cho rằng, đây là cách mà nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Yên đang làm để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi đẩy mạnh bán hàng qua online như mạng xã hội facebook hoặc quảng cáo trên các trang thương mại điện tử, dùng phần mềm để quảng bá sản phẩm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng” - ông Khải nói.
Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa cho biết, đơn vị đồng loạt khai trương các gian hàng Take Away (quầy bán thực phẩm mang đi) tại mặt tiền siêu thị chính, các cửa hàng Co.op Food trực thuộc tại thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An... Đây là các quầy hàng thực phẩm chế biến sẵn phong phú, từ các phần ăn sáng, thức ăn gia đình, quà vặt, các loại nước giải khát… được phục vụ tận tình, nhanh gọn.
Khách hàng đến với các điểm Take Away còn được tặng quà khuyến mãi, giảm 10% hóa đơn khi check in (chụp hình) tại gian hàng, giao hàng miễn phí tận nơi với bán kính 6km.
Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa cho biết: “Buôn bán kinh vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp thì ngoài những biện pháp buôn bán truyền thống thì tăng cường bán hàng qua mạng như online, điện thoại thông minh, facebook, Zalo”.
Đại dịch Covid-19 khiến cho việc giao thương hàng hóa bị đứt gãy, xuất khẩu bị đóng băng. Việc các doanh nghiệp chủ động cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chuyển hướng tiếp cận thị trường để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng đắn, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định thị trường cùng nhau vượt qua khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các địa phương chuyển hướng xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mua bán trao đổi qua môi trường trực tuyến. Tổ chức các gian hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử như shopee, Tiki... Các doanh nghiệp đăng ký tham gia thế này hoàn toàn miễn phí”.
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, công tác phòng chống đã được Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế triển khai cấp bách nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Sau 1 tháng không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, TP. Đà Nẵng vừa ghi nhận 24 trường hợp mắc mới, tối 19/6, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản yêu cầu dừng một số hoạt động trên địa bàn để phòng, chống dịch COVID-19.UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu kể từ 12h ngày 20/6, tạm dừng hoạt động các nhà hàng, cửa hàng, quán ăn, uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống. Các cơ sở này chỉ được bán cho khách mang về hoặc bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng, nghiêm cấm phục vụ tại chỗ. TP. Đà Nẵng cũng tạm dừng hoạt động tắm biển.
Ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại TP. Đà Nẵng, ngày 19/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập 5 chốt kiểm soát, phòng chống dịch ở địa bàn giáp ranh Đà Nẵng.
Các chốt thực hiện kiểm soát y tế, xác định lịch trình hoạt động của tất cả người và phương tiện đi vào địa bàn tỉnh, nhất là người đến và về từ Đà Nẵng; những người từ Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam phải khai báo y tế, thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú theo quy định (trừ đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đi và về trong ngày)./.