Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của Covid-19 lên các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đại dịch đã tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhất là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo này nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế - thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, từ năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực và hết sức tiêu cực từ dịch bệnh.

Những khó khăn chính mà doanh nhân nữ phải đối mặt do tác động của dịch Covid-19 là tiếp cận dòng tiền và khách hàng, chuỗi cung ứng và nhân sự... Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu sụt giảm, kinh doanh thua lỗ tăng mạnh so với các năm trước.

Cụ thể, năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 27,1% doanh nghiệp bị thua lỗ; nhưng sang đến năm 2020, tỷ lệ này giảm hẳn, chỉ còn 53,2% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 32,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Bước sang năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi chỉ còn 42,7% và tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng lên mức 39,2%. Số liệu này là một biểu hiện rõ ràng của hai năm cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Song, theo ông Đậu Anh Tuấn, đóng góp của doanh nghiệp do nữ làm chủ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua vẫn rất tích cực. Danh sách doanh nhân tiêu biểu Việt Nam năm 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 15 trên tổng số 60 doanh nhân được tuyên dương là nữ, chiếm tỷ lệ 22%, cao nhất từ trước đến nay.

Đáng lưu ý, kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu VCCI cho thấy, dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của dịch Covid-19 gặp khó khăn hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ, nhưng tỷ lệ sa thải người lao động của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thấp hơn tại các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.

"Vì thế, để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần chủ động hơn nữa để tiếp cận các gói hỗ trợ. Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc cần chủ động hơn nữa trong tiếp cận thông tin, thiết kế các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội viên thông qua những hoạt động cụ thể, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ", bà Minh nói.

Bà Majdie Hordern - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần thiết kế gói hỗ trợ riêng phù hợp hơn cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Về phần mình, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần có những cách tiếp cận nguồn tài chính linh hoạt hơn.

Nhóm nghiên cứu của VCCI đề xuất, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm, chủ đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.../.