Giá thép tròn các loại trong tuần qua ở Yên Bái dao động từ khoảng 17.500 đến 18.400 đồng/kg tùy địa bàn, trong đó, tại các địa phương vùng sâu vùng xa, giá thép còn cao hơn nữa khi phải cộng thêm giá vận chuyển. Còn theo thông báo của Công ty TNHH Hòa Bình, doanh nghiệp phân phối thép Hòa Phát tại Yên Bái thì giá thép cuộn và thép cây đã tăng lên gần 19.000 đồng/kg. Cũng theo thông tin từ doanh nghiệp này thì từ đầu tháng 12 đến nay, giá thép trong nước đã tăng tới 6 lần.
Ông Vũ Hồng Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, từ đầu tháng 3 đến thời điểm này, giá thép tăng từ 400 đến 600 đồng/kg: “Giá thép cuộn là 18.780 đồng, giá thép cây là 18.750 đồng. Đấy là giá chưa có thuế”.
Cùng thời điểm giá thép tăng cao, giá xăng dầu cũng tăng không kém, khiến không ít doanh nghiệp xây lắp "đứng ngồi không yên", vì bị đội vốn thi công các dự án. Theo tính toán của một số doanh nghiệp đang thi công nhiều gói thầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái, dù đang vào giai đoạn nước rút hoàn thiện hay mới đang ở giai đoạn san tạo mặt bằng cũng đều bị tác động, bởi những gói thầu này đều được ký theo hình thức trọn gói. Với việc tăng giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu đầu vào như hiện nay thì sẽ tăng chi phí từ 7 đến 15% giá thành so với thời điểm bỏ thầu.
“Những công trình bỏ giá năm 2020 đến thời điểm hiện tại vẫn thi công thì sẽ tăng giá thành lên 10-15%. Đối với những công trình ký hợp đồng vào năm 2021 mà bây giờ đang thi công thì tăng 6-7%”, ông Đỗ Hải Nguyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến cho hay.
Ông Trần Hưng Lam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính cho biết, đơn vị đang thực hiện dự án cầu Giới Phiên, công trình trọng điểm của tỉnh Yên Bái. Hạng mục hiện đang thi công là hơn 100 cọc khoan nhồi của các trụ cầu và mố cầu giữa sông. Theo tính toán, để hoàn thiện hạng mục này phải tốn khoảng 940 tấn thép các loại, cũng như một lượng lớn xi măng, cát sỏi. Ngoài ra, trong quá trình thi công, cũng tiêu hao hơn 1.000 lít dầu mỗi ngày phục vụ cho các loại máy hoạt động. Việc hai mặt hàng chính này đều tăng giá là rất bất lợi cho việc đảm bảo tiến độ của hạng mục.
“Chúng tôi phải có dự phòng một số lượng để khi có sự biến động mà chưa thể lấy được từ nhà máy, khi chuyển giao giá chúng tôi huy động từ kho và bãi tập kết đưa lên công trường để anh em thi công không bị gián đoạn”, ông Trần Hưng Lam nói.
Không chỉ doanh nghiệp xây lắp, các doanh nghiệp cơ khí cũng gặp cảnh chịu lỗ khi giá thép tăng cao. Theo ông Vũ Hữu Lê, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí và xây lắp Hồng Hà, giá thép tăng tới 60%, do đó, những sản phẩm do công ty làm và bán ra thị trường hiện không có lãi. Đơn giản như một chiếc máy xao chè cỡ lớn cần khoảng 6 tấn thép, bị đội chi phí thêm hàng chục triệu đồng.
“Trước đây có thể lãi được khoảng 20% còn bây giờ coi như hòa. Giờ cố gắng giữ sản xuất thì không lãi nữa”, ông Vũ Hữu Lê than thở.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Giao thông Yên Bái kiến nghị cần cập nhật về thông báo giá vật tư, vật liệu kịp thời hơn để các doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh.
“Các thông báo giá của tỉnh kịp thời hơn để những giai đoạn dự toán đầu vào nó khớp, sát thực tế hơn, bởi vì giá xăng dầu hiện giờ đang biến động, gần như là 5 đến 10 ngày biến động/lần”, ông Nguyễn Cao Cường đề xuất.
Tiến độ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là tiến độ thi công của các công ty xây lắp phụ thuộc chủ yếu vào vật liệu và xăng dầu. Có những dự án chi phí xăng dầu chiếm tới 30% chi phí vận hành máy móc, còn sắt thép chiếm tới 45% tổng giá trị dự án, do đó, không ít doanh nghiệp đang rất "đau đầu" trong bối cảnh "bão giá kép" như hiện nay. Các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có những chính sách bình ổn giá, cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tồn tại và phát triển./.