Với đợt tăng giá chiều nay (11/3), các doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp thêm nhiều khó khăn. Nhiều DN vận tải trong khu vực ĐBSCL chuẩn bị tăng giá cước để bù đắp cho chi phí đang bị thiếu hụt hiện nay.
Do ít hành khách, từ sau Tết nguyên đán đến nay, hầu hết các DN vận tải hành khách Vĩnh Long hoạt động chỉ đạt khoảng 35% công suất. Các DN vận tải ở Vĩnh Long hoạt động mấy ngày gần đây chỉ đủ chi phí xăng dầu và chi trả lương cho nhân viên làm việc. Đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao càng gây khó khăn cho các DN ở địa phương.
Ông Dương Hữu Phú, một chủ DN vận tải hành khách tuyến Vĩnh Long đi TP.HCM cho hay, trước đây nhân viên làm 10 người nay DN chỉ cho khoảng 60% nhân viên làm việc. “Tài xế cũng thay phiên nhau chạy để chia sẻ thu nhập có tiền nuôi gia đình. DN cũng mong muốn được trợ giá và lãi suất để cân đối thu chi, từ đó phục vụ người dân được tốt hơn”, ông Phú chia sẻ.
Một số DN vận tải hành khách ở tỉnh Vĩnh Long đang có phương án trình Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải về việc tăng giá vé, nhằm bù đắp chi phí thiếu hụt hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Khải, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo Thông tư liên tịch số 152 giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, nếu các DN vận tải gặp khó khăn có thể đăng ký lại giá vé.
“Lượng khách giảm, giá xăng dầu tăng đương nhiên lợi nhuận của DN sẽ không có hoặc bị âm. Xe 16 chỗ nhưng chở chỉ chở 5-7 hành khách sẽ hụt chi phí. Theo Thông tư liên tịch 152 giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, các DN tự đăng ký giá sao cho phù hợp, Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải sẽ ghi nhận làm cơ sở tính thuế. DN nào đăng ký cao quá, không có khách sẽ tự chịu thiệt hại và nhà nước không quy định giá cứng mà hoàn toàn do DN tự đăng ký và tự kê khai giá”, ông Khải cho biết.
Anh Nguyễn Văn Mến, ngụ quận Cái Răng, TP. Cần Thơ làm nghề vận chuyển hàng hóa cho biết, giá xăng tăng đối với ngành vận tải chịu ảnh hưởng rất nhiều. Nếu như trước đây, mỗi chuyến đưa hàng chi phí mất khoảng 1 triệu đồng, thì nay giá xăng, dầu đã tăng gấp đôi và số lượng hàng vận chuyển ngày một giảm nhưng những DN vận tải vẫn không dám tăng giá.
Nguyên nhân là do sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều DN vận tải Cần Thơ gặp khó khăn, những đơn hàng của đối tác không nhiều như trước; sự co cụm của các DN đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động vận tải. Trong bối cảnh hiện nay, các DN nghiệp vận tải đang chia sẻ với những khó khăn cùng các đối tác nên vẫn giữ giá cước vận tải dù giá xăng dầu đã tăng gấp nhiều lần.
“Trong giá thành vận tải thì nhiên liệu chiếm chủ yếu, cùng với đó là chi phí nhân công qua thời gian và điều kiện khó khăn các DN cũng phải tăng lương cho nhân công để phù hợp với giá cả sinh hoạt tiêu dùng. Các DN vận tải hiện nay không mong muốn gì hơn là giá xăng dầu giảm để các DN bớt khó khăn trong chi phí”, anh mến đề xuất.
Do giá xăng dầu tăng cao, các DN trong khu vực ĐBSCL sản xuất không có lời, thậm chí lỗ vốn; một số DN vận tải khách đang chuẩn bị phương án tăng giá vé vận tải hành khách, nhưng phần lớn các DN vẫn chọn phương án hoạt động cầm chừng để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.