Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2017 cho thấy: Có 33,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay tốt hơn quý trước; 24,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 41,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 57,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 9,8% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 32,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong quý I năm nay, cả nước có tổng cộng 35.750 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Sau khi trừ đi số doanh nghiệp phá sản và tạm ngừng hoạt động thì số doanh nghiệp tăng thêm trong 3 tháng đầu năm là 11.850 đơn vị.

thanh_lap_dn_quy_1_fgnn.jpg
Tình hình doanh nghiệp thành lập mới quý 1 năm 2017, xét theo lĩnh vực hoạt động. (Nguồn: Bộ KHĐT)

Tính chung kể từ đầu năm 2016 đến nay đã có 75.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số lượng DN thì nhiều, nhưng tuyệt đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bình quân vốn đăng ký chỉ khoảng 8 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, đánh giá: đây chỉ là vốn đăng ký, còn vốn thực đưa vào sản xuất, kinh doanh chắc chắn ít hơn nhiều. Do vậy, lực lượng doanh nghiệp mới này cũng đóng góp không nhiều vào GDP (GDP quý 1 năm nay chỉ đạt tăng 5,1%, thấp hơn nhiều dự báo trước đó).

Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới trước đây là hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tức là họ đã tham gia sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào nền kinh tế và giờ chỉ chuyển đổi mô hình hoạt động.

Đáng lưu ý nữa là, những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều nhất là kinh doanh bất động sản; dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng... Tuy nhiên, lĩnh vực quan trọng nhất để sản xuất ra sản phẩm cho xã hội là công nghiệp chế biến - chế tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản lại chưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ trước đến nay, chỉ có 13,72% hoạt động trong lĩnh vực chế biến - chế tạo. Còn lại là hoạt động dịch vụ, đặc biệt là có tới 35,4% tổng doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy… ngành không tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội, mà chỉ dựa vào thu nhập, tiêu dùng của người dân để tăng trưởng, không đóng góp nhiều cho GDP./.