Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ động trong điều hành, thích ứng trước diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế và cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
Sau động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) từ +/-3% lên +/-5% có hiệu lực từ ngày 17/10, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt được điều chỉnh tăng rất mạnh. Tính đến sáng nay, tỷ giá của các ngân hàng được niêm yết quanh mức mua vào 24.540 – bán ra 24.600 VND/USD.
Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, biên độ tỷ giá được điều chỉnh, trong bối cảnh đồng USD đã tăng giá 20% trong năm nay. Áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt tại Mỹ, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh sau Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn đã gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, các đồng tiền trên thế giới chịu áp lực mất giá khi đồng USD tăng giá mạnh. Đồng Euro đã mất 20 - 30% giá trị, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10 - 12%. Đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5,5% so với đầu năm.
Ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Việc nới biên độ tỷ giá tác động rất nhiều chiều cạnh từ lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu, thanh toán nợ, nhất là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán để vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát và nhập khẩu”.
Theo các chuyên gia, khi điều chỉnh biên độ giao ngay, chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường “chợ đen” sẽ giảm. Theo đó, các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao so với mức quy định trước đây của NHNN, cũng có thể mua được USD giá thấp.
Như vậy hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá trên của NHNN sẽ tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, góp phần hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.
Chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Việc nới biên độ mua bán ngoại tệ từ +/-3% lên +/-5% cũng làm giảm áp lực việc tăng giá đồng USD lên đồng Việt Nam. Các ngân hàng thương mại có thể mua đồng Đô la với giá cao hơn quy định trước đây của NHNN, từ đó giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện bán USD cho các ngân hàng thương mại, thuận lợi hơn trong việc giao dịch ngoại tệ”.
Hiện áp lực việc USD tăng giá là quá lớn đối với kinh tế toàn cầu, vì vậy việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam là cần thiết. Trong thời gian qua, NHNN đã phải bán ra một lượng lớn đồng USD kèm với đó thực hiện nhiều giải pháp để kìm đà tăng tỷ giá. NHNN cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường./.