Việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL vừa là nhu cầu nhưng cũng là động lực để phát triển ngành chế tạo máy kéo và máy nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, tiến trình cơ giới hóa đồng ruộng ở Việt Nam, nhất là ở khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” từ cơ chế chính sách cho đến nguồn nhân lực phục vụ…
Từ đó, giá thành sản xuất cao và thất thoát sau thu hoạch lớn làm cho người nông dân càng gặp khó.
Anh cho biết những năm gần đây, máy móc đã dần thay thế sức người, sức kéo của gia súc để làm chủ ruộng đồng. Trước đây, với máy xới tay, mỗi ngày anh chỉ làm được hơn 10 công đất thì nay với máy móc hiện đại hơn, mỗi ngày gia đình anh có thể xới được khoảng 50 công đất. Bây giờ, trong hơn 10 ha đất của anh đã có đủ các loại máy, từ máy tỉa đậu phộng, máy gặt đập liên hợp, máy sạ hàng, máy làm đất.
Anh Nguyễn Văn Gấu nói: “Tôi rất tâm đắc về cơ giới hóa, vì nó sẽ làm công việc sản xuất của mình nhanh hơn nhiều, giá thành sản xuất từ đó cũng giảm, tăng lợi nhuận. Lúc mới đầu tư, giá thành sẽ cao nhưng về lâu dài sẽ tốt và bền hơn”.
Tuy nhiên, trên tổng thể, vựa lúa ĐBSCL, nơi có nhiều đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia nhưng khâu cơ giới hóa còn thấp, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Từ đó cho thấy chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý, đời sống của nông dân trồng lúa chưa được cải thiện tương xứng với đóng góp của họ.
Chính thực trạng này, hàng năm đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho ngành hàng sản xuất kinh doanh lúa gạo Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện tại thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch là trên 3 triệu tấn lúa/năm, tương đương 760 triệu USD. Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn, tương đương hơn 230 triệu USD.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng: Ở miền Nam lớn nhất là Vinapro chế được máy 30 mã lực nhưng với máy gặt đập trên 50 mã lực chính đơn vị này cũng không đáp ứng được. Đó là chưa nói đến các máy móc nông nghiệp khác, lĩnh vực chúng tôi cũng rất cần ngoài cây lúa có cây màu, cây bắp, máy tỉa gieo hạt, bón phân… Mới đây, Kubuta của Nhật xâm nhập thị trường máy gặt đập liên hợp thay thế trong vòng vài năm các loại máy gặt đập Trung Quốc là rất ngoạn mục. Đây là điều mà các cơ sở chế tạo máy Việt Nam cần nghiên cứu và chính sách nhà nước cần có sự tập trung để ngành cơ khí nông nghiệp là mũi nhọn”.
Phân tích của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam, mà cụ thể là ở ĐBSCL còn hạn chế là do mức đầu tư cho nông nghiệp nông thôn của Việt Nam còn quá thấp; quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ trong khi giá thành của các loại máy sử dụng trong sản xuất nông nghiệp còn quá cao.
Trong mối tương quan đó, trình độ sản xuất công nghiệp, cơ khí chế tạo máy nước ta còn nhiều hạn chế.
Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng, cơ giới hóa sản xuất là mấu chốt quan trọng trong việc chuyển đổi trồng các loại cây hoa màu ở vùng ĐBSCL. Một ví dụ minh chứng rất rõ là nếu trước đây, nông dân đã quen với việc trồng lúa đơn giản là chỉ đi vãi hạt, nay trong quá trình chuyển đổi cây trồng như đối với cây ngô hoàn toàn không thể như cũ được. Trong khi đó nguồn lực đầu tư của nông dân còn rất hạn chế.
Ông Phan Huy Thông nói: “Chúng ta thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề để làm dịch vụ sửa các loại máy móc nông nghiệp. Trong khi đó người sử dụng các loại máy móc trình độ thấp. Một số chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa đã được Chính phủ và các địa phương trong vùng chú trọng và bước đầu đã phát huy tác dụng, đặc biệt là quyết định 68. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đồng bộ và khả năng tiếp cận vốn vay của người dân để đẩy mạnh cơ giới hóa là thách thức lớn”.
Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chính người nông dân phải liên kết lại với nhau. Khi đó mới đủ khả năng để mua máy sấy, máy gặt đập; mới đủ khả năng làm nhà kho tồn trữ. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mấu chốt của vấn đề là nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư. Cụ thể là sự liên kết chặt chẽ giữa Viện, Trường và vai trò của doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ đầu tư chế tạo thiết bị cho cơ giới hóa ruộng đồng. Có như vậy, mới có thể tạo sự đột phá trong công cuộc cơ giới hóa đồng ruộng./.