Với ngành chế biến lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19, hơn 60% sản lượng lương thực thực phẩm được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đang gặp khó do các nước này đóng cửa vì dịch bệnh. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải “tự thân vận động”, cùng với chính sách hỗ trợ từ nhà nước, DN phải linh động đổi mới thị trường. Do thị trường xuất khẩu chưa thể phục hồi được ngay, DN phải hướng phát triển thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, mở kênh online cho người tiêu dùng để đặt hàng trực tuyến.
“Để doanh nghiệp sống được, sản xuất được thì bây giờ các doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại sản xuất của mình. Dịch bệnh cũng là một thời cơ cho các doanh nghiệp từ xưa tới giờ ít chú ý vào các kênh bán hàng điện tử thì cũng bắt đầu phải hướng vào kênh bán hàng này để mở rộng thị trường tiêu thụ của mình”, bà Lý Kim Chi nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng xác định, bán hàng trực tuyến là xu thế tất yếu và Covid-19 là lý do để đẩy nhanh hơn nữa xu hướng bán hàng online tiếp cận tới người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, phát triển thương mại điện tử ở nước ta ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thương mại điện tử nói riêng đã cùng cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng ứng phó dịch bệnh thời gian qua.
Bộ Công Thương cũng ban hành chương trình hành động, trong đó sớm có những chỉ đạo điều hành, đề cập việc quản lý và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung rà soát các sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái, ưu tiên hiển thị các sản phẩm chống dịch, các nhu yếu phẩm cung cấp trong dịch. Đồng thời, xử lý nghiêm hiện tượng các gian hàng bán thiết bị phòng dịch tăng giá... Đến ngày 24/4, đã xử lý khoảng 17.000 gian hàng và khoảng 38.400 sản phẩm vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cũng cho biết, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì dịch bệnh, Bộ Công Thương đã đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ trong thời gian trước mắt và lâu dài thông qua các hoạt động thương mại điện tử.
“Chúng tôi phát động chương trình người tiêu dùng dùng hàng nông sản Việt trên Gian hàng việt; xây dựng nền tảng ứng dụng thương mại điện tử ứng phó tình huống khẩn cấp. Đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý, giám sát và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam (online.gov.vn) để kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên môi trường trực tuyến”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ trong ngày một ngày hai, do đó, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là phải chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang các ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và cần vững chân, khai thác tốt thị trường nội địa, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, tiếp tục trụ vững và phát triển trong tương lai./.