Hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, bà Lê Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dgroup cho biết, từ sau Tết nguyên đán đến nay, lĩnh vực giáo dục bị ảnh hưởng rất nặng nề vì dịch bệnh Covid -19. Theo đó, mọi hoạt động của công ty gần như “đóng băng” do phải thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, song hàng tháng các chi phí như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… vẫn phải thực hiện khiến doanh nghiệp (DN) như ngồi trên “đống lửa”. Việc Chính phủ triển khai gói hỗ trợ đang là một giải pháp “cứu cánh” giúp các DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo bà Lê Dung vấn đề quan tâm hiện nay đối với nhiều DN là sớm được tiếp cận ngay gói hỗ trợ này:
“Mong muốn Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước có thể truyền thông một cách rõ ràng hơn và minh bạch hơn về những cơ chế, chính sách để cho các DN trong nhóm ngành nào? DN vừa và nhỏ hay DN có số vốn như thế nào và có cần những điều kiện gì để có thể tiếp cận được nguồn vốn? Đồng thời, mong rằng cần được minh bạch hơn, được truyền thông rõ ràng hơn để chúng tôi không phải loay hoay và luôn luôn đi tìm câu hỏi không biết tìm nguồn vốn ở đâu? Mặc dù rất rõ ràng Chính phủ và Nhà nước cũng đã rất quan tâm hỗ trợ về vấn đề này”, bà Lê Dung nói.
Cùng chung suy nghĩ này, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hikari Việt Nam cho biết, nhiều DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất mong ngóng chính sách hỗ trợ, "giải cứu" từ phía nhà nước, Chính phủ.
“Hiện nhiều DN đang gặp khó khăn, có DN hiện tại công suất chỉ còn khoảng 10 đến 20 %. Như nhà máy của chúng tôi chỉ duy trì ở mức độ sản xuất và đủ nuôi hệ thống, còn về lợi nhuận thì không có trong thời điểm này”, ông Nguyễn Đức Cường nêu thực tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời về những giải pháp để có thể hỗ trợ cho các DN vượt qua dịch bệnh để tiếp tục trụ vững và phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai của các bộ, ngành và các địa phương còn chậm. Đến nay, các biện pháp mới chủ yếu dừng lại ở mức giãn, hoãn, khoanh nợ, còn những biện pháp thực sự giảm được chi phí cho DN vẫn chưa được thực hiện. Cùng với đó, nhiều chính sách, những gói tín dụng đã có, nhưng thực tế theo DN phản ánh là chưa rõ ràng, cụ thể.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Tôi đề nghị phải triển khai sớm, triển khai tích cực những chủ trương, chính sách đã có của Chính phủ. Cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Tôi cũng đề nghị trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt ở Việt Nam, cần phải có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các DN tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh để tự cứu mình để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có thể giảm bớt áp lực phải đưa ra gói cứu trợ tiếp theo của Nhà nước đối với người lao động mất việc làm hay những người nghèo”.
Trong cuộc họp mới đây tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu, đối với các gói hỗ trợ người lao động và DN, các bộ, ngành, cần phải đưa ngay vào Dự thảo quy định để triển khai. Các thủ tục phải tạo được sự thuận lợi, tránh rườm rà, phức tạp để đến được tay các đối tượng thụ hưởng trong thời gian sớm nhất. Quá trình thực hiện theo hướng trực tiếp, trực tuyến và bảo đảm tính công khai minh bạch.
“Không để thất thoát, nhưng phải đúng đối tượng làm nhanh vừa quản lý chặt chẽ nhưng phải đúng đối tượng. Do đó, thủ tục phải nhanh gọn, xác nhận rõ ràng chỉ một lần thôi. Đăng ký một lần nên việc các bộ, ngành phải chia sẻ được với nhau để người dân và doanh nghiệp không phải chờ đợi lâu”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Rõ ràng, trong tình hình khó khăn hiện nay, nếu các gói hỗ trợ được triển khai càng sớm thì doanh nghiệp càng có thể nhanh chóng phục hồi nếu không thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ. Vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất nhằm vượt qua khó khăn. Từ đó, làm bàn đạp ổn định sản xuất và đời sống để tiếp tục phát triển trong thời gian tiếp theo./.