Chế tài xử lý vi phạm phải rõ ràng

Theo tổng hợp của HĐND thành phố, Hà Nội hiện có 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai (trong giai đoạn 2012-2017). Các dự án treo đã phân loại và ban hành 38 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với các chủ đầu tư có dự án vi phạm. 16 quyết định thu hồi đất hoặc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất được thực hiện, 22 quyết định đang làm thủ tục nhận bàn giao và thực hiện giải phóng mặt bằng.

Qua nhiều lần thanh tra, kiểm tra thành phố Hà Nội thực tế mới thu hồi được 16 dự án “treo”, con số này quá khiêm tốn so với tổng số 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.

Ngoài những nguyên nhân do giải phóng mặt bằng chậm, những thay đổi về quy hoạch, chính sách đất đai… thì một nguyên nhân quan trọng là khung pháp lý trong xử lý các dự án “treo” chưa hoàn chỉnh. Thời hạn là 24 tháng không sử dụng dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất, đây đang là một quy định không phù hợp. Điều này là “nút thắt” trong việc thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai.

thu_tuong_uwsl.jpg
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này.

Trong các phản ánh trước đây của Báo Điện tử VOV cũng đề cập về vướng mắc pháp lý trong xử lý các dự án “treo”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Đây là câu chuyện về thu hồi đất và tài sản trên đất của chủ đầu tư.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc thu hồi đất của các dự án “treo” thì hoàn toàn hợp pháp, nhưng tài sản được nhà đầu tư xây dựng, hình thành trên đất thì đang là vấn đề không rõ ràng. Tài sản trên đất của các dự án “treo” thì hầu hết là hạ tầng cơ sở (tường rào, móng, nhà…) không thể di chuyển đi được. Hiện tại chưa có những quy định cụ thể về xử lý tài sản trên đất này.

“Khi thu hồi dự án “treo” có tài sản trên đất thì đơn vị mới tiếp quản sẽ tính toán giá trị để hoàn lại cho chủ đầu tư bị thu hồi dự án, đây là một phương án. Điểm thứ hai, cần chế tài phạt thật nặng về tài chính đối với những chủ đầu tư dự án “treo”, điều này sẽ khiến các chủ đầu tư không thể ôm đất chậm triển khai dự án. Chủ đầu tư không có khả năng tài chính nộp phạt thì tiền phạt sẽ được quy trừ với tài sản được hình thành trên đất của dự án” – Luật sư Tuấn nói.

Cần hành động cụ thể

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Reenco Sông Hồng cho rằng, chủ trương thu hồi các dự án chậm triển khai là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, về thực tiễn cho thấy, vấn đề đất đai sẽ gặp vướng mắc rất nhiều về mặt khách quan lẫn chủ quan.

“Những yếu tố khách quan, vượt ngoài khả năng kiểm soát của các chủ đầu tư như chính sách thay đổi, rủi ro về tín dụng, giải phóng mặt bằng vướng mắc... cần được các cấp ngành hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn. Đối với các dự án cố tình chây ì không triển khai thì phải thu hồi theo quy định trên cơ sở hoàn thiện khung pháp lý, khiến chủ đầu tư bị thu hồi tâm phục khẩu phục. Qua đó, tránh tình trạng tranh chấp tài sản trên đất của chủ đầu tư cũ bị thu hồi và chủ đầu tư mới được giao” – ông Điệp nói.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.

Từ năm 2012, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến các sở, ngành của Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 215 dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, đến năm 2018 chỉ có 61 dự án khắc phục sai phạm, 89/215 dự án vẫn vướng mắc về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng.

Tháng 7/2018, khi HĐND thành phố Hà Nội thực hiện giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai thì số dự án “treo” được thống kê là 383 dự án. Sau 6 năm xử lý các tồn tại, số dự án “treo” tăng gấp gần 2 lần! Vậy, các sở, ngành và chính quyền thành phố Hà Nội đã thực sự quyết liệt khi xử lý các dự án treo chưa?

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, dự án “treo” không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực vùng dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà còn cản trở sự phát triển của các chủ đầu tư khác khi chủ đầu tư dự án “treo” giữ đất. Quy định dự án sử dụng đất chậm triển khai sẽ bị thu hồi trong 24 tháng đã có, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, khi dự án chưa triển khai được theo thời hạn thì chủ đầu tư “xin” với các lý do về tác động thị trường, xin điều chỉnh dự án… và cả “bôi trơn” để kéo dài dự án thời gian thực hiện dự án.

“Thành phố Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án “treo”, câu này tôi cũng nghe ở nhiều nơi, nhiều lúc; nhưng hiện tại tình trạng dự án chậm triển khai vẫn rất nhiều, nói không thực sự đi đôi với làm. Người dân chờ đợi ở hành động của thành phố trong việc xóa dự án treo” – TS Liêm nói./.

“GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” với Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài cụ thể. Thời hạn là 24 tháng không sử dụng dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất, đây là quy định không phù hợp. Vì Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu, nhưng nếu tịch thu đất lại thu luôn tài sản đầu tư trên đất, như vậy là trái với quy định. Chủ đầu tư có thể vi phạm là chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản được hình thành là hợp pháp” - Ý kiến này của GS Đặng Hùng Võ đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng./.

Cùng loạt bài:

Bài 1: Dự án "treo", người dân cũng sống cảnh...“nằm treo”

Bài 2: Dự án…treo, đất quy hoạch thành nhà hàng “đẻ trứng vàng”

Bài 3: Dự án “treo”, mỗi sở, ngành báo cáo một kiểu?