Như đã phản ánh, thời gian qua, dự án Bất động sản và bến Du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) xây dựng bên bờ sông Hàn, thành phố Đà Nẵng cơ bản hoàn thành việc đổ đất lấn sông Hàn, xây dựng khu đô thị mới. Thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, dự án triển khai sẽ tác động đến môi trường, làm thay đổi dòng chảy, gây xói mòn, bồi lấp cửa sông Hàn và phá vỡ cảnh quan hai bên bờ sông Hàn. Cũng có ý kiến cho là có ảnh hưởng nhưng "rất nhỏ".

Để làm rõ vấn đề này, sáng 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng.

du_an_lan_song_han_vov_2__nojc.jpg
Dự án lấn sông Hàn gây xôn xao dư luận.

Ảnh hưởng rất nhỏ hay rất lớn?

Theo TS Lê Hùng, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, sau một thời gian nghiên cứu, tính toán, nhận định rằng, "Dự án Marina Complex có ảnh hưởng rất nhỏ đến dòng chảy sông Hàn. Mức độ ảnh hưởng dự án với khu vực xung quanh là không lớn".

PGS. TS Lê Song Giang, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc san lấp tại khu vực dự án không làm gia tăng ngập lụt của thành phố mà chỉ gây một tác động bất lợi nhỏ trong trường hợp có lũ lớn sẽ làm gia tăng vận tốc nước tại thượng nguồn.

 Đánh giá của PGS-TS Lê Song Giang dựa vào trận lũ năm 1999, với tần suất 2,24% và trận lũ năm 2013. PGS-TS Lê Song Giang đưa ra nhận xét, mực nước ở cầu Rồng khi nước lũ về nhiều thì có thay đổi. Tuy nhiên, tại vị trí san lấp  thì mực nước lại thấp hơn chứ không tăng lên. Cụ thể, mực nước sông thấp hơn cốt nền san lấp khoảng 2,7 cm, nếu so sánh với năm 2002 thì thấp hơn 2,5 cm.

PGS. TS Lê Song Giang cho biết, mực nước sông Hàn tại khu vực dự án thấp hơn so với trước đây.

Ở chiểu ngược lại, các ý kiến phản đối cho rằng không nên có sự án này. GS Nguyễn Thế Hùng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói rằng, việc xây dựng dự án lấn sông Hàn sẽ ảnh hưởng đến việc thoát lũ sông Hàn. Dự án gây ngăn cản dòng chảy mùa lũ, làm dâng mực nước lũ thượng lưu.

GS Hùng nói Sở Xây dựng cho rằng việc dự án lấn sông không ảnh hưởng đến dòng chảy là điều không thể chấp nhận. Trong khi đó, Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng nêu thực tế, Đà Nẵng đang thiếu nhiều không gian cây xanh nên việc xây dựng bờ đông sông Hàn là cơ hội tăng mảng xanh, tăng không gian công cộng. Việc lấn sông, xây kè thì đã rồi, dư luận xã hội có phản ứng nhiều nhất vẫn là không gian công cộng. Theo ông Phan Đức Hải, không nên xây dựng các công trình ở khu vực này.

“Tốt nhất nên dừng lại để xây dựng một tầm nhìn mới có thể đạt được qua một đồ án quy hoạch tổng thể, mà trong đó chính quyền cân bằng giữa lợi ích chính đáng của người dân và nhà đầu tư” - GS Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, đại diện nhà đầu tư Dự án Marina Complex cho biết, đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, đại diện chủ đầu tư Dự án bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết, dự án này được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch lần đầu vào năm 2011, với tổng diện tích hơn 175.000 m2. Dự án đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Bà Loan nhắc lại rằng, trước khi triển khai Dự án, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã lấy ý kiến tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi.

"Chúng tôi kính mong các lãnh đạo thành phố, các chuyên gia trong cả nước hiểu bản chất vấn đề để có cái nhìn khách quan" - bà Nguyễn Thị Như Loan bày tỏ.

Ông Bùi Văn Tiếng- nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng- hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng: "Trong chuyện này, lỗi không chỉ và không phải chủ yếu của nhà đầu tư. Mà như vậy, nếu quyết định không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao, nhất là đối với những thiệt hại mà hoàn toàn không do lỗi của họ. Đó là chưa kể ai sẽ chịu xử lý hậu quả xây kè lấn sông để trả lại nguyên trạng bờ sông và dòng chảy?".

Đà Nẵng sẽ chỉ yêu cầu điều chỉnh dự án?

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, dự án Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng, và dự án Olalani Riverside có trong quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đã được UBND thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà do thành phố phê duyệt năm 2017.

 "Thành phố sẽ trao đổi với các nhà đầu tư phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, làm sao đó để tăng diện tích công viên cây xanh, cảnh quan bên bờ sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với sông Hàn và đặc biệt là giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng ở khu vực dự án này, tạo thêm không gian thông thoáng, tốt nhất có thể, bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách" - ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh./.