Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 18/2013 sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 07/2013 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Thêm điều kiện để được vay vốn

Thông tư 18 quy định về đối tượng và hộ gia đình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội, có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người; Có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 8m2 sử dụng/người… sẽ được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

bds1_dxa.jpg
Việc nới điều kiện cho vay gói 30.000 tỷ đồng này được kỳ vọng nhằm tăng hiệu quả hỗ trợ người dân về nhà ở

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đưa thêm điều kiện để được vay vốn mua nhà trong gói 30.000 tỷ đồng là: “Chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh”.

Đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở. Trường hợp tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên (có thể không liên tục) và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm. Trường hợp đối tượng làm việc tại chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương nơi có dự án mà việc đóng bảo hiểm thực hiện tại địa phương nơi công ty có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện thì cũng được áp dụng quy định tại điểm này nhưng phải có giấy xác nhận của công ty về việc đóng bảo hiểm...

Đồng thời, đối tượng được vay vốn khi đã có hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại theo quy định.

Mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ nhà ở

Về xác định điều kiện được vay vốn, Thông tư 18 nêu rõ: Người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng theo quy định, phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở và chỉ xác nhận một lần; đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình, không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập;

Hoặc người đứng tên vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc các đối tượng quy định phải có xác nhận của UBND phường (xã) nơi hộ gia đình đang sinh sống và đăng ký thường trú hoặc tạm trú về thực trạng nhà ở và phải chịu trách nhiệm việc khai báo của mình.

Mỗi hộ gia đình chỉ được vay một lần hỗ trợ nhà ở theo quy định của Thông tư này. Trường hợp con, cháu của chủ hộ đã lập gia đình (có Giấy chứng nhận kết hôn) và trường hợp ở nhờ nhưng có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú cùng với chủ hộ thì được coi là hộ gia đình độc lập và thuộc đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.

Không yêu cầu xác nhận thu nhập

Đặc biệt, đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư số 07/2013 của Bộ Xây dựng không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập, trừ trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng.

Thông tư 18/2013 còn bổ sung điều kiện: Diện tích sàn căn hộ nhà ở thương mại ghi trong hợp đồng mua, bán nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư và khách hàng là diện tích căn hộ tạm tính theo thiết kế nhưng với quy mô nhỏ hơn 70 m2, khi hoàn công có thể thay đổi theo thực tế nhưng không vượt quá 5%.

Đối với các trường hợp đã được UBND phường (xã) cấp giấy xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn có giá trị thực hiện.

Với đối tượng vay vốn là doanh nghiệp, ngoài các quy định như trước, Thông tư 18 quy định bổ sung thêm: Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội".

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2013./.