Tính đến thời điểm này, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã triển khai được 2 tháng. Hai tháng chưa phải là thời gian đủ dài để có thể có những tác động ngay lập tức đến tình trạng tồn kho của thị trường bất động sản, nhưng cũng đủ để các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân có thể nhìn ra những bất cập khi triển khai gói tín dụng này. Điều quan trọng bây giờ là làm sao để gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không đi chệch hướng.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ ưu tiên dành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được xác định tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội là phân khúc phù hợp với thực tế thị trường bất động sản Việt Nam, có cầu rất cao nhưng cung rất thấp. Với đối tượng thụ hưởng khá rộng, từ người mua nhà đến doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gói tín dụng này được rất nhiều người trông đợi và kỳ vọng. Thế nhưng, sau hai tháng triển khai, sự kỳ vọng bắt đầu giảm sút rõ rệt. Đó đây đã có những ý kiến thất vọng về gói 30.000 tỷ đồng, thậm chí có những lo ngại về việc gói tín dụng này có khả năng đi chệch hướng. Vì sao vậy?
Trước hết là việc triển khai gói tín dụng này quá chậm. Cho tới thời điểm đầu tháng 7/2013, ở một số ngân hàng nằm trong nhóm 5 ngân hàng tham gia cho vay gói tín dụng này số hồ sơ được xét duyệt vẫn bằng 0.
Với khối khách hàng doanh nghiệp, những ràng buộc về thời gian triển khai dự án khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận được với gói tín dụng này. Sự chậm trễ đã tới mức Thủ tướng phải lên tiếng lưu ý Bộ Xây dựng và Bộ đã phải có công văn gửi tới các địa phương yêu cầu đẩy nhanh việc thực hiện gói cho vay hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ.
Tuy nhiên, chuyện chậm trễ chưa đáng ngại bằng việc các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đang khiến người có thu nhập thấp - đối tượng mà Chính phủ muốn dành ưu đãi dần dần bị đứng ngoài lề.
Liệu có xảy ra tình trạng gói tín dụng đi chệch hướng và có câu chuyện lợi ích nhóm ở đây hay không? Câu trả lời là: rất có thể. Thực tế cho thấy, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này. Đồng thời việc chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng chỉ được các doanh nghiệp thực hiện tại một phần rất nhỏ của dự án và cũng triển khai khá chậm. Do đó, nếu không có những hoạt động kiểm tra, giám sát nghiêm túc thì nhiều khả năng số vốn đó sẽ bị sử dụng sai mục đích.
Trước những ý kiến của các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản và người dân rằng có nguy cơ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang đi chệch hướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Những công việc của Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện là hoàn toàn nghiêm túc theo đúng hướng Nghị quyết 02 của Chính phủ”.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản hiện nay, ngay tại phân khúc nhà ở xã hội, đang cho thấy những nguy cơ là có thực, và nếu như các Bộ, ngành tham gia thực hiện triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không thực hiện công tác hậu kiểm chặt chẽ thì khả năng thất thoát vốn và nguy cơ gia tăng nợ xấu bất động sản là hoàn toàn có thể xảy ra khi chỉ có các doanh nghiệp và người có tiền mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn này.
Từng có ý kiến cho rằng, con số 30.000 tỷ đồng đối với thị trường bất động sản không lớn. Đúng như vậy, nhưng trong bối cảnh kinh tế nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt thấp thì số tiền 30.000 tỷ đồng mang ý nghĩa rất lớn. Dùng số tiền này như thế nào cho đúng và trúng, câu hỏi này đang đòi hỏi các cơ quan thực thi cân nhắc kỹ phương thức triển khai trong 16 tháng còn lại của gói tín dụng này./.