Không có người vào ở, chủ đầu tư xin đập bỏ nhà

Dự án nhà tái định cư do Handico3 làm chủ đầu tư gồm 3 tòa nhà với hơn 150 căn hộ, được triển khai từ năm 2001 – 2006, dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Do xảy ra khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay và dự án mở rộng đường phố Sài Đồng cũng “dậm chân tại chỗ”. Chủ đầu tư dự án này đã xin chủ trương của Hà Nội để phá bỏ các tòa nhà sau 10 năm “bỏ hoang”.

Ông Nguyễn Văn An, một người dân ở phường Sài Đồng, quận Long Biên cho biết: “3 tòa tái định cư này, bỏ không rất lãng phí, trong khi nhiều người dân không có nhà. Cần có những giải pháp để sử dụng nếu không tòa nhà cũng hư hỏng”.

Một dự án tái định cư khác tại số 4A phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư, cũng đã “đắp chiếu” nhiều năm nay. Mặc dù nay đã khởi động lại nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có người đến ở. Đây là tòa nhà 24 tầng với 158 căn hộ. Dự án tái định cư này rất “kỳ lạ” là nằm ở giữa trung tâm thành phố, với vị trí đắc địa những đang bỏ không?

vov_1_ukcm.jpg
Dự án tái định cư khác tại số 4A phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bỏ không nhiều năm.

Và khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) nằm ở khu vực trung tâm thành phố Hà Nội, với 4 tòa nhà cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên số người dân về ở lại chỉ lác đác, đếm trên đầu ngón tay. Dự án tái định cư này do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư.

Hà Nội mỗi năm đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội báo cáo đoàn giám sát Hội đồng nhân dân thành phố hiện tại thành phố còn khoảng hơn 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong nhưng người dân không đến nhận nhà.

TP HCM xin đấu giá nhà tái định cư

Báo cáo hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 - 2020 của TP HCM, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập. Trong chương trình 30.000 căn nhà tái định cư của TP HCM còn 14.366 căn hộ và nền đất tái định cư để trống.

Cụ thể, đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, báo cáo kiểm toán chỉ ra bất cập, hạn chế dẫn đến việc đầu tư và mua quỹ nhà, tái định cư cao hơn so với thực tế, tồn đọng quỹ nhà tương đối nhiều. Chủ trương đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có căn hộ tái định cư ở rất xa (cách khu vực dự án hơn 20 km) dẫn đến các hộ dân không đồng tình với phương án tái định cư.

Khu nhà tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đang được đề xuất chuyển qua làm nhà ở xã hội. (Ảnh: Thanh Niên)

Tại dự án khu tái định cư Long Sơn (quận 9) thời gian dự kiến xây dựng dự án là 2005-2007. Tuy nhiên, đến năm 2009 mới được giao đất để đầu tư xây dựng và đến cuối năm 2015 mới thi công, thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm.

Còn dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư T30 (huyện Nhà Bè) được phê duyệt lần đầu vào năm 2003 và được điều chỉnh vào năm 2007. Đến ngày 24/1/2017, dự án mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Việc kéo dài thời gian thực hiện đã làm tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng lên 285% và ảnh hưởng tới thời gian bàn giao quỹ nhà phục vụ công tác tái định cư.

Sở Xây dựng TP HCM cho biết, tổng số quỹ nhà, đất chưa bố trí còn tồn đọng 14.366 căn – nền, tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004 đến nay. Phương án giải quyết số căn hộ và đất tái định cư của TP HCM là sẽ đưa ra bán đấu giá, 5.200 căn hộ và nền đất tái định cư sẽ đưa ra bán đấu giá. Trong đó gồm 3.790 căn thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), 1.000 căn tại khu tái định cư xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), 200 căn hộ tại dự án tái định cư Phú Mỹ (quận 7)...

Hàng nghìn căn nhà tái định cư đang bị bỏ không, hư hỏng, xuống cấp và hàng nghìn tỉ đồng tiền vốn đầu tư đang bị lãng phí. Trong khi đó, không ít những dự án giải phóng mặt bằng thiếu nhà tái định cư để triển khai, đây là “nghịch lý” đang tồn tại./.