Sáng nay (20/9), Tạp chí Đầu tư Bất động sản tổ chức toạ đàm “Bất động sản xanh: Trào lưu hay xu thế”. Phát biểu tại toạ đàm, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP HCM cho biết, theo thống kê, hiện cả nước mới chỉ có khoảng 60 dự án được công nhận là công trình xanh.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư ngần ngại khi làm công trình xanh do lo ngại chi phí tăng cao. Mặc dù xét về lợi ích lâu dài thì phát triển công trình xanh sẽ đem lại giá trị bền vững kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.

Cụ thể, công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí vận hành (thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư) so với thiết kế ban đầu. Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng. 

img_2797_ggzt.jpg
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm CLB Kiến trúc xanh TP HCM  phát biểu tại toạ đàm
Ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và đầu tư Năng Lượng Xanh cho biết, hầu hết các bộ tiêu chí đánh giá, chứng nhận công trình xanh đang được lựa chọn tại Việt Nam hiện nay như LEED (Hội đồng công trình xanh Mỹ), LOTUS (Hội đồng công trình xanh Việt Nam), EDGE (Tổ chức thương mại thế giới) hay Green Mark (Bộ Xây dựng Singapore) đều tập trung tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả, trong đó có khuyến khích trang bị hệ thống năng lượng tái tạo.

Trang bị hệ thống điện mặt trời là đáp ứng các tiêu chí đánh giá này nhằm tăng khả năng được chứng nhận, hoặc gia tăng bậc xếp hạng cho công trình xanh. Bỏ qua các yếu tố lãi vay, chi phí vận hành, bảo trì, biến động giá mua điện… việc tích hợp điện mặt trời vào các công trình sẽ cho phép hoàn vốn dự án trong khoảng 5,5 năm. Ví dụ đơn giản này cho thấy hiệu quả đầu tư với dự án có thời gian hoàn vốn thực tế khoảng 8-9 năm với một dự án vận hành trong 20 năm.  

Về giải pháp cho việc phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các chủ đầu tư cần thay đổi tư duy về phân tích chi phí, lợi ích trên nguyên tắc đầy đủ và dài hạn. Quan trọng hơn, các cơ quan quản lý nhà nước phải có hệ thống quy định cụ thể và đầy đủ về bất động sản xanh.

Đối với quá trình phát triển đô thị, việc có nhiều công trình xanh khi đi vào khai thác sử dụng sẽ góp phần thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế, giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững./.