Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị cần đến 12,5 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên, đến nay các dự án đã hoàn thành và đang triển khai mới có tổng cộng gần 4 triệu m2, chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch. Do cung ít, cầu nhiều, thị trường nhà ở xã hội đang nảy sinh nhiều tiêu cực. Hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được bán sai đối tượng. Nhiều người lợi dụng chính sách của Nhà nước về nhà ở xã hội để trục lợi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đang làm giáo viên mầm non tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Còn chồng chị Thủy đang làm nhân viên văn phòng. Do phải chứng minh thu nhập, xác nhận các loại giấy tờ và nhiều thủ tục khác theo quy định, việc mua nhà ở xã hội của vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều lần đi lại, tìm hiểu, đăng ký hồ sơ, nhưng vợ chồng chị Thủy vẫn không thể mua được 1 căn hộ trong dự án Ecohome 3 tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, do công ty Capital House làm chủ đầu tư. Biết chị muốn mua 1 căn có diện tích nhỏ, một nữ bán hàng tự xưng là người của “công ty” tiếp cận để mời chào căn hộ 67m2 ở tầng 14 với mức chênh lệch 70 triệu đồng so với giá gốc. Nếu đồng ý, hai bên sẽ chuyển nhượng hợp đồng theo dạng viết giấy ủy quyền.

nha_o_brat_ploi.jpg
Nhà ở xã hội vẫn bán sai đối tượng.

“Chúng tôi có đi thực tế tìm hiểu và có trải nghiệm qua quá trình mua. Tôi thấy là mua được nhà ở xã hội ở Hà Nội rất khó. Khó ở đây không phải là không có nguồn cung. Vẫn có nguồn cung qua một số dự án. Tôi thấy nó khó ở chỗ người mua chúng tôi không tiếp cận được nguồn hàng do vướng mắc một số thủ tục pháp lý hoặc là phải mua qua trung gian. Tôi có cảm giác là đang thiếu sự minh bạch trong việc này” - chị Nguyễn Thị Thanh Thủy bức xúc.

Ngay bên cạnh dự án Ecohome 3 là dự án Ecohome 2, việc mua bán nhà ở xã hội cũng khá sôi động từ hàng năm nay. Điều đáng nói là việc chuyển căn hộ trong dự án này diễn ra khi người dân chưa ở đủ thời gian 5 năm theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, căn hộ trong dự án này được bán với giá hơn 19 triệu đồng/m2, cao hơn 8 triệu đồng/m2 so với giá gốc được chủ đầu tư bán cho người dân năm 2014.

“Có mua không tôi chỉ cho mà mua, tầng 12, căn góc. Họ bán do con học xa quá. Bây giờ mình trả tiền cho chủ, chủ họ trả Ngân hàng để lấy sổ về. Nếu chú ưng thì chú mua chứ giấy tờ họ làm cho hết. Ở bên cạnh đó mấy nhà họ bán rồi còn chi nữa” - bà Lê Thị Sáu, một người dân đang ở trong khu chung cư Ecohome 2 giới thiệu.

Những tiêu cực trong việc xét duyệt hồ sơ dự án, chuyển nhượng hợp đồng nhà ở xã hội tại Hà Nội và TPHCM đã xảy ra từ nhiều năm nay. Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản đề nghị Hợp tác xã Gia Phú, chủ đầu tư dự án chung cư First Home Thạnh Lộc tại quận 12, thu hồi một số căn hộ bán sai đối tượng tại dự án.

Tại đây, nhiều người đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ chính sách về nhà ở đã được hợp tác xã Gia Phú giải quyết bán căn hộ tại chung cư First Home Thạnh Lộc. Tuy nhiên, một số người sau đó đã chuyển nhượng hoặc cho thuê không đúng quy định. Đối với những trường hợp này, hướng xử lý là chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, thành phố đã giao cho công an các địa phương thường xuyên kiểm tra người sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn. Trường hợp sử dụng nhà ở xã hội không đúng đối tượng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, việc kiểm tra thì thường xuyên, nhưng  phát hiện và thu hồi thì không có.

“Có những người đã giàu rồi, nhưng lợi dụng các cơ chế chính sách, cố tình làm sai hồ sơ để được hưởng giá ưu đãi. Có khi không phải người đó đứng ra mà để người thân ở quê hay đâu đó đứng tên để được hưởng cơ chế chính sách. Cái đó cũng phải xem lại việc phân loại, xét duyệt đối tượng khi bán nhà ở xã hội” - ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong việc mua bán nhà ở xã hội như hiện nay là do vẫn còn cơ chế xin-cho. Nếu cắt được cơ chế xin-cho, tạo ra được nhà có giá phù hợp, khả năng thanh toán thuận lợi với người thu nhập thấp thì ai có tiền là mua được.

“Tôi cho rằng, câu chuyện vẫn là làm cách nào cho người có thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở xã hội một cách phù hợp, chứ không phải Nhà nước bao cấp để làm hạ giá nó đi. Về đất đai, chúng ta phải giảm được chi phí. Thứ hai là thanh toán như thế nào để phù hợp với thu nhập của họ” - GS Đặng Hùng Võ nói.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân nên thận trọng khi mua nhà ở xã hội theo hình thức ủy quyền hay viết giấy tay. Theo quy định tại Điều 562 Bộ Luật Dân sự năm 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên. Bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Khi xảy ra tranh chấp hoặc thu hồi, quyền lợi của người mua khó được đảm bảo bởi nếu có tranh chấp phải giải quyết tại Tòa án, khả năng rất cao Tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu.

Nếu bị cơ quan Nhà nước thu hồi do vi phạm quy định về việc mua bán nhà ở xã hội, việc đòi hỏi quyền lợi ở đây là rất khó khăn bởi bên mua không phải là chủ sở hữu, đặc biệt là trường hợp người bán không hợp tác./.