Hiếm gặp dự án nhà ở xã hội giá rẻ
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo dự án nhà ở xã hội N07-1, N07-2 khu đô thị Sài Đồng vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà với giá dự kiến là 13.762.000 đồng/m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Sài Đồng là Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội đã cung cấp thông tin dự án và thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở cho người thu nhập thấp trên website của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội.
Theo đó, dự án bắt đầu nhận hồ sơ mua nhà từ ngày 20/4 đến 20/5/2020. Tổng số 144 căn nhà ở xã hội được mở bán với giá dự kiến là 13.762.000 đồng/m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì. Đây là dự án nhà ở xã hội duy nhất từ đầu năm đến nay có mức giá dưới 15 triệu đồng/m2 và cũng là hàng hiếm của thị trường khi các dự án nhà ở xã hội hiện tại đang có giá gần với giá nhà thương mại.
Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%. |
Trước đây, Dự án nhà ở xã hội thuộc lô đất HH-01 và tòa nhà số 4 thuộc lô đất HH-02, khu chức năng đô thị Đại Mỗ, phường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) công bố mức giá lên tới 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT, nhưng chưa gồm kinh phí bảo trì). Mức giá này được đánh giá là ngang ngửa nhiều dự án nhà ở thương mại.
Các dự án nhà ở xã hội IEC (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đưa ra mức giá 16 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì). Dự án Ecohome 3 (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với giá 16.306.378 đồng/m2 (đã bao gồm AT nhưng chưa có phí bảo trì).
Thiếu vốn phát triển nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85.000 căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180.000 căn.
Kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, cho biết, gói 2.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn.
“Vốn vay ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội. Hiện mới có Nghị quyết chứ chưa có vốn. Giờ phải chờ quyết định của Thủ tướng phân bổ nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế, trong đó nhà ở xã hội là một phần nhỏ” - ông Ninh nói.
Tiêu chuẩn đối tượng được vay mua nhà ở xã hội tới đây sẽ có tiêu chí cụ thể. Bộ Xây dựng sẽ sửa Nghị định 100 về nhà ở xã hội vì có nhiều bất cập. Theo đó, Bộ sẽ kiến nghị sửa những vấn đề về trình tự thủ tục, đất chưa hợp lý.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, cần đánh giá lại chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hiện nay. Hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam mang tính bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước nên chưa phát huy được hiệu quả.
Theo GS. Võ, Nhà nước sẽ không đủ lực để bao cấp cho nhà ở xã hội. Vấn đề là những dự án nhà ở xã hội hay thương mại giá rẻ, hiện Việt Nam chưa huy động được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước để phát triển. Hệ quả đã nhìn thấy là nhiều dự án đang bị hụt hơi khi thiếu gói tín dụng ưu đãi./.