Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ hết hạn giải ngân vào ngày 1/6/2016. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, sau hơn 2 năm thực hiện, tính đến đầu tháng 7, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới được giải ngân khoảng 30% dành cho người thu nhập thấp. Trong số 10.000 tỷ đồng được giải ngân thì riêng số tiền để cho vay mua nhà ở thương mại chiếm tới hơn 5.000 tỷ đồng.

Cá nhân, doanh nghiệp cùng gặp khó

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ đồng một phần là do không có nhiều dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Trong số đó có những dự án tuy có vị trí đẹp, thậm chí đã khởi công rầm rộ, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang. Nếu không được triển khai trước khi gói 30.000 tỷ khóa sổ, những dự án này có thể chết yểu.

Hiện nhiều dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang NƠXH cũng trong tình trạng “giậm chân”. Báo cáo mới đây nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, thống kê: hiện có 24 dự án đăng ký chuyển đổi NƠXH, tương đương với hơn 15.400 căn hộ, tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chưa triển khai được.

nhaoxahoi2_uawe.jpg
Gói 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn giải ngân nhưng lượng NƠXH đáp ứng nhu cầu không nhiều. (Ảnh: Internet)
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), về phía khách hàng cá nhân, do nguồn cung nhà chưa đáp ứng nhu cầu; còn doanh nghiệp có tình trạng có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ nhưng còn vướng nợ xấu nên không thể vay.

Cụ thể, ông Hà cho biết: Theo quy định về điều kiện để được vay vốn hỗ trợ, người có nhu cầu vay vốn phải có hợp đồng mua hoặc thuê mua đã ký với chủ đầu tư, nghĩa là trên thị trường phải có đủ sản phẩm phù hợp với điều kiện quy định.

Tuy nhiên, hiện nay tại các địa phương, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, số lượng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích căn hộ nhỏ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1,05 tỷ đồng/căn còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Do đó, số lượng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng đã ký với chủ đầu tư dự án để đáp ứng điều kiện được vay vốn từ gói hỗ trợ còn hạn chế. Đối với các đối tượng vay vốn là doanh nghiệp lại vướng nợ xấu, ngân hàng thương mại có thể từ chối cho vay để bảo đảm an toàn đối với hoạt động tín dụng, vì vậy các dự án này cũng chưa được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Lý do nữa khiến gói tín dụng này giải ngân chậm là ngoài việc bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về đối tượng và điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, người vay còn phải đảm các điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, yêu cầu khách hàng là hộ gia đình, cá nhân phải có đủ vốn vốn tối thiểu không vượt quá 20% tổng số tiền vay; doanh ngiệp là chủ đầu tư dự án phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay.

Ngoài ra, khách hàng vay vốn còn phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để trả nợ đối với khoản vay. Về điểm này, theo ông Hà, “quy định yêu cầu khách hàng phải chứng minh đủ khả năng thu nhập để tích lũy trả nợ là một trong những khó khăn đối với các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng”.

Cần có gói hỗ trợ khác hiệu quả hơn

E ngại gói vay 30.000 tỷ sắp đến ngày đóng cửa mà doanh nghiệp không có cơ hội được tiếp cận do sự chậm trễ trong các khâu như giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép đầu tư, nhiều doanh nghiệp xây dựng NƠXH đã bắt đầu tính đến việc mong muốn có một gói hỗ trợ mới.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty La Thành (đơn vị đang xin xây dựng NƠXH cho công nhân) chia sẻ, nên chăng, Chính phủ, bộ ngành tính đến việc xây dựng cho thị trường một gói tín dụng mới với chính sách mở rộng hơn, hỗ trợ người dân mua nhà để ở và chỉ quy định giá và diện tích căn hộ.

Ông Nguyễn Quý Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà xã hội (HUDVN) nhìn nhận, việc dừng gói 30.000 tỷ đồng là điều dễ hiểu, bởi đây là một chính sách mang tính chất phục vụ an sinh xã hội nhiều hơn. “Chúng tôi làm NƠXH hiểu rằng nhu cầu mua nhà của những người có thu nhập trung bình hiện cao nhất cả nước. Chính phủ cũng nắm rõ điều này và tôi tin rằng sẽ có những gói hỗ trợ khác hiệu quả hơn”, ông Hưng nói.

Nhìn nhận về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, Thạc sĩ Trần Thị Minh Thư, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: Lượng cung nhà ở xã hội trong tình trạng thiếu có nguyên nhân chính là do doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư. Rút kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội từ Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam có thể vận dụng cách bổ sung thêm chức năng cho Ngân hàng Chính sách xã hội là cho vay đầu tư nhà ở xã hội.

“Ngân hàng Chính sách này sẽ kết hợp với mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở để sử dụng mạng lưới chi nhánh, trang thiết bị sẵn có của Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ cần xây dựng thêm một số chính sách đặc thù, quy chế huy động các nguồn vốn khác, quy chế cho vay, mua, thuê mua nhà ở xã hội... Như thế, vốn huy động sẽ được nhiều hơn, khả năng cho vay lớn, khả năng cung cấp nhà ở xã hội cũng cao hơn”, Thạc sĩ Trần Thị Minh Thư cho hay.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra hướng mở cho nhóm đối tượng vay vốn mua nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp (dưới 1,05 tỷ đồng). Theo Bộ Xây dựng, nhóm đối tượng này không được hưởng nhiều ưu đãi như những người được hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Các trường hợp này chỉ cần đơn vị nơi công tác hoặc chính quyền địa phương xác nhận về tình trạng nhà ở, không phải xác nhận về tình trạng thu nhập, chứng minh thu nhập thuộc diện có hay không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Văn bản mới này đã tạo điều kiện cho những đối tượng có thu nhập trên 9 triệu/tháng có thể tiếp cận gói vay ưu đãi 30.000 tỷ. Đây là động lực mới để tăng tốc giải ngân gói tín dụng này, khi thời gian chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa./.