Hiện nay, 2 ký túc xá sinh viên ở phía Bắc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã đến giai đoạn bàn giao, đưa vào sử dụng. Thế nhưng, do cơ sở hạ tầng yếu kém, không có dịch vụ đi kèm, các ký túc xá tiền tỷ này không thu hút được sinh viên vào ở.

Sau khi đưa con trai là sinh viên mới của Trường Đại học Thông tin liên lạc tham quan ký túc xá sinh viên Nha Trang, ở phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, bà Trần Thị Vân, đến từ tỉnh Nam Định cho biết, ký túc xá còn mới, khang trang, mỗi phòng rộng rãi chỉ bố trí 4 giường cùng công trình phụ khép kín.

kytucvov_dlid.jpgKý túc xá Cao đẳng Y tế Khánh Hòa trơ trọi giữa nơi vắng vẻ

Tuy nhiên, bà Vân cùng nhiều phụ huynh khác không khỏi  lo lắng khi xung quanh ký túc xá rất vắng, không có các quán ăn, dịch vụ, ký túc xá cũng chưa có nhà ăn. Còn con đường dẫn vào ký túc xá cũng đã xuống cấp, mỗi lần có mưa lớn, trở nên lầy lội. Theo bà Vân, ký túc xá ở đây đẹp nhưng xa so với trường học, chỗ vui chơi, giải trí cũng chưa có.

Từ tháng 12/2013, Trung tâm Quản lý nhà và Chung cư, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và vận hành ký túc xá sinh viên Nha Trang. Khu ký túc xá gồm 4 khối nhà 5 tầng, với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, từ nguồn vốn Ngân sách, dành cho sinh viên của các trường Đại học, cao đẳng trong thành phố.

Tuy nhiên, do các trường đại học, cao đẳng ở phân tán nhiều nơi nên không mấy sinh viên đăng ký vào ở ký túc xá. Ông Trần Phi Hùng, Phó giám đốc Trung tâm quản lý nhà và chung cư tỉnh Khánh Hòa kiến nghị: “Sở Giao thông nên có tuyến xe buýt giải quyết điều kiện đi lại của sinh viên thì mới thu hút sinh viên về ở tập trung trong ký túc”.

Bên cạnh khu ký túc xá sinh viên Nha Trang, Ký túc xá trường Cao đẳng Y tế, ở xã Vĩnh Ngọc, phía Bắc thành phố Nha Trang cũng chuẩn bị đưa vào sử dụng. Khu ký túc xá này có 4 khối nhà 5 tầng, quy mô 1 ngàn sinh viên vào ở, với tổng mức xây dựng 77 tỷ đồng, do Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Có ký túc xá mới nhưng lãnh đạo Nhà trường lo ngại sẽ không mấy sinh viên vào ở vì khu ký túc xá cách trường học đến 7 cây số, xung quanh ký túc xá là ruộng, đồng, ít dân cư và thiếu các dịch vụ đi kèm như căng tin, giải trí.

Ông Trương Quang Thuận, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế tỉnh Khánh Hòa lo lắng học sinh không sử dụng dịch vụ ký túc xá vì trường quá xa ký túc. Hiện nay, tỉnh cũng chưa có kinh phí để làm căng tin, nhà ăn, dịch vụ đi kèm. Các em có thể chấp nhận thuê mướn ở gần trường hơn là đăng ký ở ký túc xá. Lịch học khác nhau cho nên tổ chức xe buýt thì cũng khó lòng mà đáp ứng được./.