Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa yêu cầu Sở Quy hoạch kiến trúc rà soát toàn bộ các khu chung cư cũ đã được UBND thành phố giao cho các đơn vị nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại. Từ việc rà soát này, Sở này đề xuất phương án xử lý tiếp theo đối với các dự án đã rà soát để báo cáo trong tháng 9.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội đang chờ một hội thảo quan trọng về cải tạo chung cư cũ do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 9 để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía về việc cải tạo chung cư cũ. Từ những ý kiến trong hội thảo này, Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo “quy định một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn Thành phố”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, các dự án cải tạo nhà chung cư cũ tại HN không có bước tiến nào đáng kể. Mục tiêu giảm mật độ dân số tại 4 quận nội thành từ 1,2 triệu người/km2 xuống còn 0,8 triệu người/km2 vẫn chưa có phương án khả thi.
Tại buổi làm việc tại thực địa các chung cư cũ với sự có mặt Bộ trưởng Xây dựng ngày 12/8, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, mấu chốt nhất của việc chậm trễ cải cạo chung cư cũ là vướng quy hoạch chung Hà Nội, do hạn chế số tầng.
Ông Thảo đề xuất Chính phủ nên cho phép DN được nâng cao số tầng khi thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư cũ đảm bảo bài toán lợi ích, bên cạnh đó, người dân cũng sẽ được nâng cao hệ số bồi thường, sẽ dễ nhất trí hơn với việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ.
“Nếu không cho tăng tầng cao thì rất khó bố trí nguồn ngân sách lớn cho việc cải tạo nhà chung cư cũ. Hiện nay, sự đồng thuận, nhận thức đang là rào cản, thách thức cho quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ. Đề nghị, thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp”, ông Thảo nói./.