Sau 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, đến nay, khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp tại khu đô thị mới Pháp Vân, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) vẫn trong tình trạng “ế ẩm”, “vắng khách”. Giá thuê rẻ, lại được trang bị cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại, nhưng sinh viên vẫn không mặn mà với khu nhà này.

Khang trang, hiện đại nhưng vắng vẻ, đìu hiu, đó là thực trạng của khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Đây là một trong hai dự án nhà ở cho sinh viên của thành phố Hà Nội mới đi vào hoạt động, gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng, có sức chứa lên tới 22.000 người.

Khu nhà được thiết kế đồng bộ, hiện đại, có thang máy, các phòng rộng 57m2, trang bị đầy đủ tiện nghi như giường, tủ, bình nóng lạnh, điều hòa, internet, căng tin, hầm để xe… Với mức giá ưu đãi mỗi tháng chỉ 205.000 đồng/người, những tưởng khu nhà sẽ nhanh chóng hết chỗ. Song, ngược lại, chung cư sinh viên này lại trong tình trạng ế ẩm, số sinh viên dọn đến ở mới chỉ được vài tầng dưới cùng của một tòa nhà.

nosv2_ezyh.jpgHiện nay sinh viên chỉ mới ở vài tầng dưới của tòa nhà.
Lý do nhiều sinh viên không muốn chuyển đến ở đây là vì xa trường học và bất cập trong việc đi lại. Hiện chỉ có duy nhất một tuyến xe buýt đi qua khu nhà, và phải mất 20-25 phút mới có một chuyến. “Việc đi lại khá bất tiện vì mọi người phải dậy từ rất sớm để đi xe buýt, nếu không phải có phương tiện cá nhân như xe đạp hay xe máy”, một sinh viên cho biết. “Lúc đầu cũng định rủ bạn cùng phòng chuyển đến đây ở, nhưng sau khi tìm hiểu thấy có bất cập là một phòng ở đông người, không có phòng nào cho thuê 1-2 người để có thể tự do phân bố thời gian cá nhân của mình”, một sinh viên khác nói.

Thiết kế mỗi phòng 8 người ở, không được nấu ăn, không khác gì các khu ký túc xá, trong khi nếu ở ký túc xá, sinh viên được ở gần trường, thuận tiện khi đi học. Đó là một trong những nguyên nhân khiến khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp rơi vào tình trạng ế ẩm.

Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, nhà đẹp, hiện đại nhưng sinh viên không đến ở là do sự thiếu đồng bộ khi thực hiện đầu tư dự án mà không tính đến việc vận hành sau này. Nơi ở của sinh viên thường được tính toán đến các yếu tố như gần nhiều trường đại học, có nhiều phương tiện giao thông công cộng, thì khu nhà Pháp Vân - Tứ Hiệp rõ ràng chưa đáp ứng được.

“Nếu chủ trương có các tuyến giao thông công cộng kết nối mà hiện vẫn chưa có sẽ là 1 nguyên nhân, còn nếu như đã có các tuyến giao thông công cộng kết nối nhưng vẫn không có nhiều sinh viên đến ở thì lại phải xem xét nguyên nhân khác. Một trong những cơ sở để người ta xây dựng các khu nhà ở sinh viên thông thường là phải gắn với khu vực có nhiều trường đại học. Nhưng khu Pháp Vân - Tứ Hiệp lại không có trường đại học nào gần đó. Do vậy, mặc dù có tuyến giao thông công cộng kết nối, nhưng do quá xa, không thuận lợi đối với sinh viên nên khó hấp dẫn sinh viên đến ở”, bà Hạnh cho biết.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 66 dự án phát triển nhà ở xã hội của thành phố, có 10 dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, đáp ứng chỗ ở cho hơn 39.000 sinh viên trên địa bàn.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nên sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của khi đi vào hoạt động mà thiếu vắng người ở.

“Những khu nhà ở sinh viên do chính quyền địa phương tổ chức xây dựng như làng sinh viên chẳng hạn, cần phải xem xét thêm, liệu những nơi đó có gần các trường học hay không. Hơn nữa, cách tổ chức cuộc sống ở đấy theo kiểu quá cổ điển, giống các khu ký túc xá từ thời xưa mà khác với cuộc sống hiện nay. Cuộc sống hiện nay tự do hơn, thoải mái hơn, nhân bản hơn. Thế nên chúng ta phải thay đổi, cần rà soát lại để nếu làm tiếp thì không rơi vào lãng phí, lại không phục vụ đúng nhu cầu nhà ở cho sinh viên”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Trong khi hàng nghìn chỗ ở còn bỏ trống tại khu nhà sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, nhiều sinh viên ở Hà Nội vẫn đang phải thuê trọ tại nhà dân với giá cao, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Nếu không có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay, thì cung - cầu vẫn không gặp nhau, và tình trạng ế ẩm của khu chung cư sinh viên này sẽ khó được cải thiện./.