Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với mục tiêu chủ yếu là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tăng khả năng thanh toán cho nhóm người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở (là những người có nhu cầu thực sự về nhà ở), đồng thời góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội... Sau hơn một năm triển khai gói tín dụng này, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/5/2014, tổng số tiền các ngân hàng đã giải ngân cho vay đối với 5.368 hộ, với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng; và giải ngân cho 19 dự án, dư nợ là 812,6 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đánh giá: Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở này có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong 5 tháng đầu năm 2014. Nếu như tại thời điểm 31/12/2013 tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.
Mặc dù vậy, Bộ Xây dựng vẫn tỏ ra lo lắng về việc giải ngân gói tín dụng này còn chậm. Bởi vì, đây là gói tín dụng có vay có trả, các ngân hàng cho vay phải chịu trách nhiệm thu hồi vốn. Trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng đang là vấn đề lớn, nên một số ngân hàng còn quy định quá thận trọng và chặt chẽ, thậm chí đặt ra quy định riêng mà nhiều khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được hoặc quá chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng khiến người dân và các doanh nghiệp cũng nản.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng chưa nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư cần thiết của dự án để vay vốn, như báo cáo tài chính, GPXD...theo quy định, nên ngân hàng cũng chưa thể giải ngân.
Đặc biệt, Bộ này cho rằng, vấn đề lớn khiến người dân vẫn ngại ngần tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là do lãi xuất cho vay ưu đãi, mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này; Thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.
Do đó, Bộ Xây dựng đang đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở; Mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng...
Đồng thời, Bộ vẫn đang tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh tăng nguồn cung nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu. Vì theo Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2015, phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (chủ yếu là nhà căn hộ chung cư). Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2014, cả nước mới hoàn thành xây dựng 98 dự án xã hội, trong đó có 35 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 18.950 căn hộ; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ.
Hiện đang tiếp tục triển khai 129 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 90 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.000 căn hộ.../.