Từ đầu năm đến nay, tại TPHCM bùng nổ các dự án phân lô, bán nền không phép ở một số quận vùng ven. Những dự án kiểu này như đang “bẫy” khách hàng và nó không chỉ đang tăng về số lượng mà còn được công khai quảng cáo, rao bán trên thị trường bất động sản.
Vì sao những cái bẫy này được ngang nhiên giăng ra tràn lan và cách nào để dọn bẫy? Phóng viên VOV sẽ đề cập trong loạt bài "Ngăn họa phân lô, bán nền không phép".
Bài 1:Dự án phân lô, bán nền không phép bủa vây vùng ven TPHCM
Bài 2:Cần biện pháp mạnh dẹp nạn phân lô, bán nền không phép
Gần đây, nhiều người đang bị thu hút sự chú ý vào những thông tin quảng cáo về “Dự án Triều An” của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina (có trụ sở tại số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1). Dự án này nằm khuất sâu trong khu vực cây cối um tùm, nền đất thô được rải đá dăm tại cuối hẻm 26/19 đường Lâm Hoành ở phường An Lạc, quận Bình Tân.
Các dự án phân lô, bán nền không phép ở một số quận vùng ven TPHCM “đánh bẫy” khách hàng đang tăng về số lượng và công khai quảng cáo. |
Trên mạng internet, nhiều trang thông tin đang rao giá trên 1 tỷ đồng mỗi lô đất có diện tích từ 50m2 đến 88m2 ở dự án này và giao dịch dưới hình thức góp vốn. Không ít người đã nhanh chóng xuống tiền mua đất. Tuy nhiên, thực tế khu đất này đang được quy hoạch, chuẩn bị triển khai dự án công viên kết hợp hồ điều tiết chứ không có dự án nào được cấp phép như quảng cáo.
Là một khách hàng đã “sập bẫy” mua đất tại dự án Triều An theo lời quảng cáo, khi biết đây là dự án “ma”, ông Cao Văn Khải, người dân Quận 3 nói: “Hiện nay khu vực đất quy hoạch có một số đối tượng tự san lấp mặt bằng, sau đó đăng trên mạng để rao bán. Người dân như tôi nhiều khi không hiểu biết, ham rẻ mà mua thì dẫn đến tiền mất, tật mang rất tội nghiệp”.
Trong một thông báo mới đây, UBND quận Bình Tân nêu thực trạng rằng, thời gian qua, một số đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán các dự án đất nền trên các trang mạng, phát tờ rơi, các dịch vụ môi giới bất động sản, “cò đất”… qua hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn đối với các dự án phân lô không đúng quy định pháp luật. Các đối tượng này hứa hẹn, nếu đặt tiền “cọc” từ 50 triệu đến 400 triệu đồng, trong 6 đến 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.
Chỉ riêng tại quận Bình Tân đã có 9 khu đất được quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân. Những khu đất này thuộc các phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.
Tương tự như vậy, chính quyền Quận 12 cũng nhận định tình trạng san lấp, đầu tư hạ tầng không phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đính đang diễn biến phức tạp.
Ngay tại phường Thạnh Xuân, Quận 12 cũng đã ghi nhận 10 trường hợp đất thuộc quy hoạch cây xanh, công trình công cộng…, không đủ điều kiện chuyển thành đất ở, nhưng đã được phân lô, làm đường giao thông và rao bán như những dự án.
Một số “cò đất” giới thiệu dự án khu dân cư, mời chào mua đất nền với giá 1 tỷ đồng mỗi lô đất rộng khoảng 50m2. Với tâm lý mua đất giá rẻ, dễ đầu tư kiếm lợi nhuận cao, nhiều người đã bị các đối tượng này dẫn dắt để rồi phải nhận trái đắng.
Là một khách hàng mua đất tại đây, bà Đỗ Thuý Hường, ngụ Quận 12 cho biết: “Họ đưa ra sơ đồ phân lô dự án rất đẹp, từ đó khiến tôi cảm thấy tin tưởng. Cộng thêm giá cả hợp lý nên tôi đã đầu tư mua đất dự án này. Sau khi lên quận thì được xác định là không có dự án nào ở lô đất đó”.
Tình trạng phân lô, bán nền không phép như nêu trên cũng diễn ra ở nhiều quận/huyện khác của TPHCM. Đơn cử, dù phần lớn quy hoạch các khu đất ở phường Phước Long B, Quận 9 đều không phải là đất ở, thế nhưng môi giới vẫn mời chào đất nền để xây nhà ở với giá 25 triệu đồng/m2 của dự án gọi là "Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp" cũng do Công ty Angel Lina làm chủ đầu tư. Công ty này tự ý phân lô 224 nền tại dự án này và yêu cầu khách mua đặt cọc 50%, các đợt tiếp theo trả thêm 10%.
Nhiều khách hàng đã đặt cọc tiền mua đất tại đây và hiện đang như “ngồi trên đống lửa” khi biết mình bị ăn “bánh vẽ”, bởi không thấy chủ đầu tư có động thái gì để hoàn thiện hạ tầng. Nhưng để đòi lại số tiền đã trót đóng cho công ty địa ốc này thì chẳng dễ dàng gì.
Với thủ đoạn tương tự, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trường Bảo Ngọc (có trụ sở tại 78 Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, Quận 1) đã vẽ lên dự án “Khu dân cư Đại Lợi” có địa chỉ 535 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, đồng thời dựng hàng loạt biển quảng cáo cỡ lớn một cách công khai giới thiệu rầm rộ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VOV thì chính quyền phường Hiệp Bình Phước khẳng định là trên địa bàn không tồn tại dự án này.
Tại sao những dự án “ma” lại có thể mọc lên nhan nhản và công khai như vậy? Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nhận định: các dự án này đều được rao bán nhiều trên mạng, sử dụng những số điện thoại “ảo” nên rất khó kiểm soát. Các đối tượng là “cò đất” cũng không dễ nhận biết, phân biệt vì không có đồng phục, logo đàng hoàng, hoạt động tự phát.
Theo ông Hậu, chế tài để xử phạt hành vi này chưa đủ mạnh cũng là một phần nguyên nhân.
“Xử phạt hành chính không đủ sức răn đe, phạt có mấy triệu thôi. Bây giờ đưa thông tin lên để xử lý từng trường hợp một tuy nhiên cũng rất khó vì phải phát hiện vi phạm gì mới xử lý được. Trong khi liên quan đến quyền công dân nên không được hạn chế quyền của họ”, ông Hậu cho hay.
Những dự án phân lô, bán nền không phép đang khiến cho thị trường nhà đất TPHCM trở nên bát nháo. Nó không chỉ đang gây nhiều rủi ro cho người mua mà thậm chí có nguy cơ dẫn đến đây mất an ninh trật tự xã hội.
Vì đâu mà những dự án kiểu này nở rộ trong thời gian gần đây và biện pháp nào xử lý để ngăn hậu họa? Những câu hỏi này sẽ được đề cập trong Bài 2 với nhan đề "Cần biện pháp mạnh dẹp nạn phân lô, bán nền không phép"./.Người dân nên thận trọng với cơn “sốt” đất nền
Đồng Nai tiếp tục cảnh báo Công ty Alibaba rao bán đất nền