Quan điểm này được ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên trường Đại học Kinh tế TP HCM đưa ra trong bối cảnh xuất hiện lo lắng về chu kỳ khủng hoảng 10 năm sẽ lặp lại trên thị trường bất động sản trong năm nay.

Ông Nghĩa cho rằng, thay vì “bứt rứt” liệu có khủng hoảng trong tương lai gần hay không, các nhà đầu tư nên tập trung quan sát về sự dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng và động lực của khách hàng để đầu tư hiệu quả hơn.

huynh_phuoc_nghia_tpes.jpg
Thạc sỹ Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP HCM.
Theo ông Nghĩa, khi đầu tư bất cứ sản phẩm nào nhà đầu tư cần xem xét ba động lực của người tiêu dùng.

Động lực đầu tiên liên quan đến khía cạnh sự dịch chuyển quy mô hộ gia đình. Hiện nay, quy mô hộ gia đình của Việt Nam có xu hướng ngày càng nhỏ hơn nên nhu cầu về các dòng sản phẩm cũng sẽ khác so với trước đây.

Trường Đại học Kinh tế TP HCM đang có một công trình nghiên cứu về về khía cạnh này nhưng chưa công bố. Trong 10 - 20 năm tới, khi mà tầng lớp trung lưu tăng lên, chắc chắn số người trong hộ gia đình tại Việt Nam sẽ bé lại. Người dân sẽ dịch chuyển hành vi từ tự hào sở hữu nhà sang sở hữu nhà cộng thêm môi trường sống có giá trị gia tăng tốt.

Động lực thứ hai là tăng trưởng thu nhập ở nhóm nào, ai sẽ là người mua nhà và dòng tiền mà họ có, cách chi tiêu khi dùng để mua nhà như thế nào? Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khách hàng có chấp nhận đánh đổi những điều kiện cũ chỉ đơn thuần mua nhà, căn hộ, sản phẩm bất động sản sang những điều kiện mới về mặt giá trị hay không, như chấp nhận đi xa, chấp nhận những chuẩn mực mới.

Hiện tại, nhiều người mua còn quan tâm tới khía cạnh văn hoá, uy tín của chủ đầu tư, tương tác với người mua khác để xem cách nhìn của họ với chủ đầu tư như thế nào.

Động lực thứ ba là đặc điểm của đô thị hóa. Hiện tại, người mua vẫn còn nặng nề chữ ‘gần’, mua nhà gần trung tâm cho tiện. Trong tương lai, thời gian dành cho đi lại nếu càng cao thì khuynh hướng như hiện tại vẫn còn tiếp tục. Còn ngược lại, người mua sẽ chấp nhận ra vùng ven.

“Những động lực này sẽ giúp các nhà đầu tư xác định được dòng sản phẩm nào sẽ có nhu cầu cao thấp và khách hàng cụ thể của từng loại sản phẩm đó sẽ như thế nào", ông Nghĩa nhận xét.

"Tiêu chuẩn sẽ thay đổi từ sở hữu nhà là tài sản sang tiêu chuẩn sở hữu nhà là giá trị cho cuộc sống. Hiện nay, chúng ta đã nghe về giá trị xanh, tiện ích thế này thế kia, nhưng trong các nghiên cứu của mình, chúng tôi thấy một giá trị khác quan trọng không kém là xây dựng văn hoá cộng đồng. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư quên mất những hoạt động sau bán hàng”, chuyên gia bất động sản này nhận xét./.