Nói về giải pháp xử lý nợ xấu, theo ĐBQH Đặng Ngọc Quỳnh (Đoàn tỉnh Hưng Yên), không phải chỉ trích quỹ dự phòng xử lý rủi ro hay đẩy nợ cho đơn vị khác, hoặc bán cho VAMC nợ xấu đó là xong.
Theo phân tích của ông Quỳnh, bản chất vấn đề không phải là như vậy. Bởi theo ông, cần tìm cách để tài sản hình thành từ vốn vay, bây giờ là nợ xấu sẽ phát huy được hiệu quả để đem lại lợi ích cho xã hội.
Ông Quỳnh băn khoăn rằng, “trong báo cáo cho biết, đã xử lý được 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong đề án, cũng cần phải nêu tổng số nợ xấu thực tế là bao nhiêu. Cũng theo báo cáo giá trị tài sản đảm bảo nợ vay bình quân cao gấp 2 lần, số nợ vay, giá trị tài sản cao gấp 2 lần bây giờ sử dụng như thế nào để phát huy được hiệu quả, nếu không rất lãng phí”.
Vì theo ông Quỳnh, “nếu tính bình quân thì cao gấp 2 lần còn tính cụ thể các trường hợp, có nhiều trường hợp tài sản bảo đảm nợ vay như kiểu một kho cà phê mùn cưa mà có tới 7 ngân hàng tranh chấp, có thể nói đây là nợ xấu của nợ xấu”.
Cũng liên quan đến nội dung này, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn chỉ ra, “cần phân tích chất lượng hoạt động của ngân hàng và chất lượng tài sản ngân hàng. Chẳng hạn, việc một kho cà phê mà thế chấp vay được ở 7 ngân hàng, vay được số tiền hàng trăm tỉ ở mỗi ngân hàng. Hơn thế, kho cà phê mở ra lại có cả cỏ khô, rác… như vậy công tác giám sát cho vay có vấn đề”.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, “việc xử lý nợ xấu xưa nay ở ta đã có sự ảo tưởng khi cho rằng nó dễ làm, chi phí không lớn như thực tế, thời gian chỉ mất vài năm là xong. Nhưng thực tế đã cho thấy, chi phí cho xử lý nợ xấu rất lớn, khó khăn. Bởi vì nợ xấu gắn với bất động sản rất nghiêm trọng”.
Dẫn ví dụ trường hợp ở Nhật Bản, ông Thiên cho biết: nợ xấu ở quốc gia này cũng gắn với bất động sản. Nhật Bản là nền kinh tế có hệ thống tài chính rất vững mạnh, kỷ luật tài chính rất nghiêm. Nhưng khi vướng nợ xấu, mất cả vài chục năm để xử lý.
Cho nên, với Việt Nam, ông Thiên đề nghị: “cần có thái độ nghiêm, quyết liệt với xử lý nợ xấu, không được coi thường. Đặc biệt, xử lý nợ xấu phải làm thực, khi coi nợ xấu như món hàng để mua - bán thì phải có tiền thật, chứ không thể giả vờ mua – bán, như thế chỉ là tạm thời, và nợ sẽ vẫn là nợ”.
Còn về công ty VAMC, ông Thiên khẳng định, “nó có sứ mệnh làm việc này, nhưng cần phải tăng cường tiềm lực tài chính cho VAMC mới được việc. Hơn nữa, không thể trút tiền ra mua nợ xấu ngay một lúc được, cần phải có quá trình. Tức là cần có lộ trình cụ thể ra cần 5 hay 10 năm để xử lý nợ xấu”.
Về nguyên tắc, tiền để xử lý nợ xấu là của nhà nước. Bây giờ cần cổ phần hóa để thu tiền về mua nợ xấu. Rồi một số DNNN lớn cần bán thêm cổ phần, chẳng hạn Sabeco, Vinamilk... chỉ cần bán khoảng vài chục % cổ phần sẽ thu được rất nhiều tiền. Thậm chí, cần thiết nữa thì đi vay. Cho dù đi vay chăng nữa cũng còn tốt hơn là để “ngâm tôm” nợ ở đó sẽ tăng nợ xấu thêm./.