Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu tôm nguyên liệu gay gắt.

Tại thị trường các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ... các thương lái đang thu vào với mức giá 210.000 đ/kg, loại 20 con/kg; mức giá 170.000 đ/kg, loại 30 con/kg giá và mức giá 120.000 đ/kg, loại 40 con/kg.

Do không có nguyên liệu để chế biến, nhiều nhà máy chỉ hoạt động từ 30% - 40% công suất, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Lãnh đạo Công ty Chế biến Thủy sản - Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), cho biết: hiện Công ty phải đi sang các tỉnh lân cận như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và các tỉnh miền Trung để mua tôm, nhằm duy trì sản suất chế biến, song cũng chỉ duy trì được 60% so với công xuất thiết kế.

Các chuyên gia ngành Thủy sản đánh giá, nguyên liệu trong nước không ổn định là do sự mất cân đối về quy mô và tính chất của việc phát triển vùng nguyên liệu và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ngày càng trầm trọng. Tình trạng khai thác, nuôi trồng cũng như chế biến đều phát triển theo hướng tự phát, chưa được quy hoạch theo hướng công nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chỉ chạy theo hàng xuất khẩu mà bỏ qua khâu đầu tư nuôi trồng... Trước tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu, nhiều công ty chế biến thủy sản trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã phải cử người ra các tỉnh cũng như sang tận các nước như Indonesia, Ấn Độ... tìm mua tôm nguyên liệu trữ lạnh để sản xuất. Các giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chiến lược, quy hoạch nhà máy chế biến thủy sản với vùng nguyên liệu./.