Đến nay, cả nước có hơn 1,18 triệu hecta cây ăn quả. Năm ngoái, sản lượng trái cây đạt trên 11 triệu tấn; hàng năm, xuất khẩu trái cây đạt giá trị trên 3 tỷ USD; trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích cây ăn quả 400.000 hecta (chiếm gần 40% diện tích cả nước).
Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất ngành hàng trái cây, cần tiến hành áp dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thu hoạch trái cây. Trong giai đoạn 2011 - 2021, số lượng máy kéo các loại cả nước tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Mức độ cơ giới hóa một số khâu như: làm đất, phun tưới nước, phun thuốc của ngành trồng trọt đạt từ 70% đến 100%. Cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa.
Đáng ghi nhận tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, đã ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy phun áp lực hoặc cần phun cầm tay bán tự động hay bằng máy bay không người lái mang lại hiệu quả từ 50-70%.
Tại vùng trồng trên 15.000 hecta cây sầu riêng chuyên canh của tỉnh Tiền Giang, nhà vườn đã ứng dụng mạnh cơ giới hóa vào việc chăm sóc vườn cây đạt 100%. Đơn cử như, Công ty TNHH Huy Long An đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trang trại chuối rộng 120 hecta chỉ cần 5 lao động làm việc trong buổi sáng là thu hoạch xong. Nhờ áp dụng cơ giới hóa trong khâu vệ sinh, đóng gói, bảo quản... mà công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hòa Lộc RR tại huyện Cái Bè, Tiền Giang xuất khẩu trái cây được nhiều quốc gia trên thế giới.
Riêng khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch, các cơ sở, nhà máy sơ chế, chế biến đạt khoảng 30% thiết kế, chủ yếu phục vụ việc đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh. Nhờ cơ giới hóa, ngành trái cây được tăng cường năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng hiện nay khoảng 20%. Tuy nhiên, trong khâu thu hoạch trái cây có tính đặc thù cao, chủ yếu là thủ công nên việc áp dụng cơ giới hóa còn thấp. Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn đầu tư cơ giới hóa còn khiêm tốn...
Các đại biểu dự hội thảo đã khẳng định, cơ giới hóa là hướng đi tất yếu trong sản xuất trái cây thương phẩm, nêu ra các mô hình ứng dụng cơ giới hóa tiên tiến và những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện chủ trương này. Đồng thời, đưa ra các giải pháp kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quan tâm, nhất là tiếp tục các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Về giải pháp thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất trái cây, ông Nguyễn Đức Long, Viện phó Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để cơ giới hóa, cần xác định tiềm năng và lợi thế của từng vùng để lựa chọn các máy móc, thiết bị phù hợp với từng loại trái cây. Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tập trung đất đai để hình thành cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ giới hóa.
“Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây, từng bước đồng bộ các khâu trong quy trình sản xuất khép kín; hình thành các dịch vụ cơ giới ở các vùng sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các đề tài khoa học về cơ địa nông nghiệp về sản xuất; đồng thời thực hiện xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học, từng bước nghiên cứu, ứng dụng máy, thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất”, ông Nguyễn Đức Long cho biết thêm./.