Trong tuần qua đã có nhiều luồng ý kiến xoay quanh việc thu thuế đối với người kinh doanh trên Internet thông qua các website, mạng xã hội như Facebook.

Hãy xem như hộ kinh doanh

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc thu thuế hoàn toàn không khó nếu cơ quan quản lý muốn làm.

2_chot_ykim_atqh.jpg
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về việc bán hàng trên mạng xã hội. 
Hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) đã đăng ký kinh doanh, đã khai thuế thì việc họ bán hàng ở cửa hàng thật hay bán hàng trên mạng không khác gì nhau. Website, Facebook... chỉ là công cụ để họ giới thiệu, giao dịch mà thôi. Không vì người kinh doanh dùng các công cụ điện tử này mà thu thêm tiền thuế, phát sinh thêm nghĩa vụ thuế khác.

Trường hợp người kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh, chưa khai thuế thì việc họ kinh doanh thường xuyên hoặc không thường xuyên trên website, Facebook... có thể được quản lý để thu thuế. Việc khai, nộp thuế sẽ áp dụng tương tự đối với hộ kinh doanh. Ví dụ, hộ kinh doanh đang nộp môn bài cố định hằng năm, thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh số, nếu doanh số vượt ngưỡng (hiện là trên 100 triệu đồng/năm) thì mới phải nộp thuế.

Luật sư Trần Xoa cũng cho rằng hiện nay việc thu thuế DN, hộ kinh doanh đã khá khả quan. Có thể nhìn thấy các báo cáo thu thuế đều đạt kế hoạch, vượt kế hoạch, kế hoạch năm sau luôn đặt cao hơn năm trước. Vì vậy cơ quan thuế nên nuôi dưỡng nguồn thu chứ không nên tận thu.

Hiện tại vẫn còn rất nhiều dư địa để thu thuế, ví dụ các công ty lớn, các công ty có dấu hiệu gian lận, chuyển giá, khai lỗ triền miên... Còn những cá nhân dùng mạng xã hội để kinh doanh thì cứ để cho họ hoạt động ổn định trước đã. Chỉ tính cách thu thuế với những người nào kinh doanh lâu dài, doanh số cao mà không đăng ký kinh doanh. Không thu thuế đại trà, thấy ai “ló mặt” lên Facebook, website kinh doanh cũng tính chuyện thu thuế là không nên và cũng không mang lại hiệu quả.

Ông cũng khẳng định việc thu thuế sẽ thực hiện được nếu ngành thuế muốn làm; phối hợp với cơ quan về thương mại điện tử, ngân hàng, viễn thông...; học tập kinh nghiệm của nước ngoài sẽ thu được thôi.

Nên sàng lọc “váng sữa”

Luật sư Nguyễn Thái Sơn (nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn) cho rằng việc thu thuế với người kinh doanh “vô hình” lâu nay khó vì nhân sự ngành thuế chỉ quen thu thuế dựa trên cửa hàng thực tế, danh sách hộ kinh doanh sẵn có. Họ cũng chưa rành rẽ về thương mại điện tử. Nếu phối hợp giữa cơ quan về thương mại điện tử với cơ quan thuế để nâng cao nghiệp vụ thì hoàn toàn có khả năng thu thuế.

Việc thu thuế ban đầu không nên đại trà, vì thực sự cũng không có nhân sự, tài chính để chi phí cho việc rà soát, kiểm tra toàn bộ. Có thể ban đầu chỉ sàng lọc những người kinh doanh có doanh số cao, bán những sản phẩm giá trị lớn, có thể trên 1 triệu đồng/món như điện thoại, sữa hộp, thực phẩm chức năng... Có thể sàng lọc dựa trên các tiêu chí như tiếng tăm của người bán trên cộng đồng mạng, số lượt view, lượt like, số người theo dõi... Việc này cần kết hợp với các chuyên gia về công nghệ, về thương mại điện tử sẽ có hiệu quả.

Cơ quan thuế và thương mại kết hợp để mời những người kinh doanh này đến, giải thích chính sách thuế, hỗ trợ thủ tục cho người ta đăng ký hộ kinh doanh, khai thuế, cho người kinh doanh biết rõ doanh số bao nhiêu thì mới phải nộp thuế, cách tính thuế như thế nào...

Đặc biệt, hiện có rất nhiều người dùng Facebook để bán hàng, công khai cả tài khoản ngân hàng. Do đó cơ quan thuế có thể phối hợp cùng ngân hàng xác minh người kinh doanh đó có đăng ký kinh doanh hay chưa, thông qua tài khoản để xác minh thu nhập, dùng đó làm cơ sở để xác định một phần doanh số. Tuy mạng ảo nhưng thông tin người bán đều là thật cả.

Người kinh doanh “buôn bán vặt” trên website, Facebook, các mạng xã hội không cần phải quá lo lắng về việc bị thu thuế. Doanh số phải vượt ngưỡng thu thì mới bắt đầu thu. Những người buôn bán “vặt”, tự xem là nhỏ, dưới ngưỡng 100 triệu đồng/năm thì có khai báo, có đăng ký cũng không phải nộp thuế./.