Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ, theo đó, nếu bị phát hiện tổ chức hoạt động này sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, tại các đền, chùa và các điểm đổi tiền lẻ, hoạt động trái phép này vẫn diễn ra công khai, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội.
Để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, văn minh tại lễ hội dịp Tết nguyên đán năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp và nhất là chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ dưới mọi hình thức. Đồng thời, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra vi phạm trong mùa lễ hội năm 2015.
Thế nhưng, tại một số địa điểm như phố Chùa Hà, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Phủ Tây Hồ, Tăng Bạt Hổ, Phủ Doãn là những điểm “nóng” vẫn diễn ra hoạt động đổi tiền lẻ công khai và nhộn nhịp ngay trước trụ sở các cơ quan.
Tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), tiền lẻ được bày công khai xen kẽ với các dịch vụ viết sớ, bán đồ lễ. Phí đổi tiền các mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng dao động từ 20% đến 30%. Trong khi loại 500 đồng, 1.000 đồng có vẻ khan hiếm, nếu khách cần phải báo trước và giá đổi sẽ đắt. Nếu muốn đổi số tiền theo seri (tức loại tiền mới chưa sử dụng) thì 10 ăn 8 (tức là người đổi mất 20% tổng giá trị tiền đổi). Còn nếu đổi tiền đã qua tay (đã qua sử dụng) thì 10 ăn 9 (tức là người đổi mất 10% tổng giá trị tiền đổi).
Một người kinh doanh tiền lẻ tại phủ Tây Hồ cho biết: “Đổi tiền 5.000 thì khách đưa thêm ngoài 150.000 đồng, còn 1 cọc tiền 2.000 là 200 nghìn thì phải đưa 50.000 bên ngoài”.
Dịch vụ đổi tiền lẻ ở phố Đinh Lễ (Hà Nội) những ngày này trở nên sôi động. Chỉ một con phố ngắn vài chục mét mà có đến hơn chục người cung cấp dịch vụ đổi tiền, với những lời quảng cáo hấp dẫn. Hoạt động đổi tiền lẻ còn diễn ra sôi động trên các trang mạng xã hội, các trang rao vặt. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần gọi điện thoại và có thể được giao ngay trong ngày trên địa bàn thành phố. Với tiền mệnh giá nhỏ có phí đổi cực đắt. Ví dụ, tờ 200 đồng có phí đổi 95%, 500 đồng phí 70 đến 80%.
Mặc dù lệnh cấm đổi tiền lẻ dưới mọi hình thức đã được ban hành, nhưng hoạt động này vẫn diễn ra công khai mà không phải chịu sự quản lý của lực lượng chức năng. Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, nhiều người dân tỏ ra bức xúc và đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc. Anh Trần Minh Khánh, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nêu ý kiến: “Vừa qua Ngân hàng Nhà nước có ban hành quy định phạt tiền đối với những người có hình thức đổi tiền lẻ, theo tôi hình thức đó là hoàn toàn đúng. Không thể ban hành một quyết định trên giấy tờ mà phải đi từ thực tế. Phải có các cơ quan công an giải quyết hàng ngày theo từng vùng, khu vực. Chính quyền các địa phương cũng phải mạnh tay hơn. Cần phải thay đổi thói quen suy nghĩ dùng tiền lẻ của người dân, nhưng phải dần dần, chứ không thể ngày một ngày hai được”.
Điều đáng nói là trong và trước đình hoặc chùa đặt quá nhiều các hòm công đức và mâm đựng tiền. Do sự xuất hiện của nhiều hòm công đức mà nảy sinh tâm lý cần phải đặt tiền lễ ở nhiều nơi trong một lần đi lễ hội của người dân. Thực tế này dẫn tới việc người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ, để có điều kiện đặt nhiều lễ.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc đổi tiền lẻ đang có xu hướng thương mại hóa, đặc biệt việc đổi tiền lẻ diễn ra công khai tại các đền chùa vốn là những nơi thờ tự linh thiêng đã làm mất đi giá trị thuần phong mỹ tục của người Việt, biến những nơi này thành chỗ mua bán đổi chác.
Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho rằng: “Những năm gần đây, tiền lẻ hay tiền giọt dầu được thực hiện một cách không có văn hóa. Tiền đó được đem lên nhét vào tay tượng rồi đặt lên bàn thờ, rồi lại bay lung tung, người đi lễ lại dẫm lên. Xã hội chúng ta đang đi theo xu hướng vụ lợi. Thực trạng này cũng có cái sai của các tổ chức quản lý. Do vậy nó có nhu cầu, có lợi lộc nên những người có liên quan đến các tổ chức ngân hàng sẵn sàng tuồn tiền lẻ cho các đền chùa. Đây là một hiện tượng văn hóa mà chúng ta phải giải quyết nhiều phương diện, bởi tiền lẻ đâu chỉ ở đền chùa, mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa”.
Bộ Văn hóa đã có công văn yêu cầu các Sở Văn hóa, Ban quản lý di tích cần tiếp tục thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng, lưu thông đồng tiền Việt Nam đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại các di tích, công trình tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội. Hoạt động dịch vụ về đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khuôn viên di tích, lễ hội cần được loại bỏ./.