Trong các cuộc họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứu 132 tổ chức tại Việt Nam, tại các cuộc họp của các Ủy ban Thường trực, nhiều nghị quyết quan trọng đã được thông qua. Các nghị quyết này đề cập những vấn đề hết sức quan trọng mang tính toàn cầu, không chỉ cho trước mắt mà còn lâu dài, như vấn đề chiến tranh mạng, vấn đề nước và vai trò của Quốc hội, luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.

Quốc hội Việt Nam sẽ tích cực đổi mới trong thời gian tới

Nói về tác động của IPU-132 tới Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là sự kiện rất quan trọng về đối ngoại, chính trị, hợp tác ở phạm vi toàn cầu.

Đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu và đã đến lúc nhìn lại, đánh giá để đề ra chương trình cho 15 năm tới. Chương trình này được khởi động, thảo luận, đề xuất từ IPU-132, sau đó đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, do đó đây thực sự là kinh nghiệm lớn đối với Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Lễ khai mạc không những mang tính toàn cầu, mà là cho chính Việt Nam. Thông điệp đã làm rõ tầm quan trọng, vai trò của người dân, lấy người dân là trung tâm.

Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam cũng như Quốc hội các nước thành viên, phải triển khai trên phương diện quốc gia, chuyển lời nói thành hành động của mình.

Đặc biệt, “Quốc hội Việt Nam sẽ tích cực đổi mới trong thời gian tới, đưa luật pháp sát với đời sống, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; điều hành, giám sát các hoạt động động; chuyển hóa hành động vào chương trình phát triển bền vững trong 15 năm tới”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Còn Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU chia sẻ: “Lần này có cách tiếp cận mới, đó là đưa ra giải pháp hơn là xác định vấn đề. Đây là xu thế mới của IPU. Mỗi nghị quyết được thông qua, chúng tôi mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân. Xu hướng này được diễn ra tại Hà Nội lần này. Hà Nội là dấu mốc mà nhận thức và cách tiếp cận của chúng ta đã thay đổi. Người dân được đặt vào trung tâm; biến lời nói thành hành động”.

Chủ tịch IPU cũng khẳng định, Tuyên bố Hà Nội đúng với ý nghĩa của nó, đó là được soạn thảo, thông qua tại Hà Nội; là di sản, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới. IPU sẽ trình văn kiện này lên Đại hội đồng LHQ tại New York. Trở về nước, mỗi Nghị viện sẽ thực hiện tốt hơn những cam kết được thể hiện tại Hà Nội.

IPU 132 góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị của Việt Nam với các nước

Ở bình diện truyền thông, nhiều báo chí, trang mạng tiếp tục thông tin liên quan đến IPU 132. Trong đó, Đài phát thanh Quốc hội Thái Lan đưa nhiều tin, bài về IPU-132, phản ánh quá trình chuẩn bị của Việt Nam, chương trình nghị sự của IPU-132 và một số nội dung tích cực về tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam; cho rằng IPU-132 sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

Các trang mạng oananews (của Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương, trụ sở tại Jakarta, Indonesia), Newtimes (Rwanda) đưa tin về chương trình IPU-132 và trích phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng rằng mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song rất nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chưa được thực hiện đầy đủ (giảm đói nghèo, bình đẳng giới); kêu gọi nghị viện các nước quan tâm đến phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới trong xã hội.

Báo chí, trang mạng một số nước Trung Đông, châu Phi tiếp tục đưa tin về IPU-132. Chẳng hạn, báo chí Nam Phi đăng bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Baleka Mbete về yêu cầu cấp thiết của các mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp của Nam Phi trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ thời gian qua.

Hãng thông tấn SANA (Syria) đưa tin, trong cuộc gặp Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Chủ tịch Quốc hội Syria Al Lyahham đã nhấn mạnh IPU cần xây dựng chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó có việc gây áp lực với chính phủ một số nước yêu cầu ngừng cung cấp tài chính, vũ trang cho khủng bố; tránh kích động bạo loạn, xung đột nội bộ tại các nước Trung Đông.

Báo chí Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đưa tin Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền IPU đã thông qua dự thảo Nghị quyết “Luật quốc tế liên quan chủ quyền quốc gia, không can thiệp vấn đề nội bộ và nhân quyền” do UAE đề xuất; nhấn mạnh bình đẳng chủ quyền của các quốc gia là cơ sở hợp tác, ổn định quốc tế, đánh giá đây là thắng lợi của đoàn UAE./.