“Tiếng nói của 6,5 tỷ người đã được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội” vừa được Đại Hội đồng IPU 132 thông qua sau 5 ngày họp sôi nổi với một chương trình nghị sự bao trùm nhiều vấn đề cấp bách của thế giới. Đó là khẳng định của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chaudhury trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về kết quả của hội nghị lần này. Ông Chaudhury nhấn mạnh, bước quan trọng tiếp theo là nghị viện các nước thành viên IPU cần phải triển khai những thỏa thuận vừa đạt được tại kỳ họp mang tính bước ngoặt ở Hà Nội.
Chủ tịch IPU Saber Choudhury: Nếu nói về kết quả trước hết là việc chúng ta đã ra được Tuyên bố Hà Nội, một văn bản chặt chẽ và dễ hiểu, nhấn mạnh những chủ đề chính và những gì mà nghị sỹ chúng tôi phải thực hiện trong tương lai. Đây là kết quả tốt đẹp mà mọi người đều mong đợi. Nhưng bước tiếp theo là làm thế nào, 166 nghị viện thành viên IPU phải có những hành động và điều đó chỉ có thời gian mới trả lời được.
PV: Tại kỳ Đại hội đồng lần này, IPU đã ra Tuyên bố Hà Nội, một văn bản được đánh giá rất cao. Ông có thể nêu một số nét chính của Tuyên bố này?
Chủ tịch IPU Saber Choudhury: Tôi nghĩ đầu tiên phải kể đến khái niệm chúng ta nhìn nhận các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng bởi năm 2015 là năm đánh dấu việc thế giới khởi động các Mục tiêu phát triển bền vững và một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới. Hồi đầu tháng 3, tại Sendai (Nhật Bản), Liên Hợp Quốc đã thông qua một khung chương trình mới về giảm nhẹ nguy cơ thảm họa. Việc tập hợp 3 thỏa thuận này lại là điều rất quan trọng bởi cả 3 văn bản này đều tác động đến phát triển bền vững. Điều chúng ta cố gắng làm ở đây là kết hợp những thỏa thuận này lại và điều đó đã được nêu ra một cách rất rõ ràng.
Tuyên bố này cũng đề cập việc làm thế nào để các nghị viện của chúng ta phù hợp với mục tiêu trên. Kết quả của Tuyên bố Hà Nội đã đặt trách nhiệm này lên các nghị viện. Họ phải làm thế nào để nâng cao năng lực của mình để có thể hoàn thành những mục tiêu lớn này trong tương lai. Tuyên bố này đã đưa ra tầm nhìn, cam kết và cả hành động mà các nghị viện cần phải thúc đẩy. Tôi nghĩ đây là khía cạnh rất tích cực của Tuyên bố Hà Nội.
PV: Vậy theo ông điểm nổi bật của Tuyên bố này là gì?
Chủ tịch IPU Saber Choudhury: IPU là tổ chức nghị viện đại diện cho khoảng 6,5 tỷ người trên thế giới, vì thế có thể cho rằng tiếng nói của 6,5 tỷ người đó đã được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội này. Chúng tôi mong rằng những người đứng đầu chính phủ sắp tới họp tại New York (Mỹ), sẽ xem xét nghiêm túc tuyên bố này. Tôi nghĩ điểm nổi bật của Tuyên bố Hà Nội chính là nói do dân và vì dân.
PV: Có rất nhiều Nghị quyết quan trọng đã được thông qua tại kỳ Đại hội đồng lần này. Vậy theo ông, làm thế nào để những Nghị quyết này đi vào thực tiễn?
Chủ tịch IPU Saber Choudhury: Trước hết là phải truyền tải điều này tới người dân, rằng những nghị quyết này sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống của họ. Với tư cách là nghị sỹ, là đại biểu của nhân dân, chúng ta có trách nhiệm phải giải thích với cử tri rằng, những nghị quyết này liên quan thế nào đến đời sống của họ, tạo sự thay đổi trong cuộc sống của họ. Thứ hai là nếu các bạn cần ban hành những luật mới để thực thi những Nghị quyết này thì trách nhiệm của nghị sỹ là thúc đẩy tiến trình đó. Thứ ba là nếu các bạn chưa có chính sách phù hợp với các nghị quyết về những vấn đề như chiến tranh mạng hay nhân quyền thì các nghị sỹ phải ban hành luật pháp về vấn đề này. Thứ tư là phải giải ngân cho việc triển khai những nghị quyết này. Cuối cùng là khi chính phủ triển khai những chính sách liên quan, chúng ta phải tiếp tục giám sát để đảm bảo lợi ích của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này./.