Phát triển đặc khu kinh tế ở Việt Nam tiếp tục là một vấn đề làm “nóng” Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014. Đa số các ý kiến cho rằng, nhất thiết phải có giải pháp đột phá về xây dựng đặc khu kinh tế, nhằm tạo sức lan tỏa phát triển cho cả vùng lãnh thổ Việt Nam.

Đặc khu kinh tế sẽ tạo ra hình mẫu cho phát triển kinh tế

Từ Hội nghị Trung ương 8 khóa XI năm 2013, có 3 khu kinh tế tiêu biểu đã được chọn để nâng cấp thành đặc khu kinh tế, gồm là Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Phong (Khánh Hòa). Đến nay, quyết tâm chính trị đã rõ, việc thực tiễn hóa chủ trương cũng đang được thúc đẩy trong thực tiễn.

vandonquang.jpg
Một góc Vân Đồn, nơi được chọn xây dựng Đặc khu kinh tế tại Quảng Ninh (Ảnh SEZ)

Là một trong ba tỉnh được chọn xây dựng đặc khu kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, cho biết: Dự kiến trong năm 2014, đề án về đặc khu kinh tế sẽ được trình lên Trung ương. Theo đề án đang được xây dựng, đặc khu kinh tế sẽ gồm khách sạn, khu vui chơi, giải trí như casino, trung tâm mua sắm thương mại… với hạ tầng phát triển và có hệ thống đường giao thông kết nối, sân bay…

Tự tin về lợi thế trước hết nhờ vị trí địa lý, địa hình tự nhiên của địa phương cho việc xây dựng đặc khu kinh tế, ông Phạm Minh Chính khẳng định: "Vân Đồn có vị trí kinh tế, chính trị chiến lược, có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh ở tầm quốc tế; Vân Đồn còn nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng có sức lan tỏa mạnh tới toàn vùng, là điểm trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, cầu nối ASEAN - Trung Quốc. Đặc biệt, nơi này nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung…

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh; tập trung hoàn thiện các quy hoạch chiến lược, tăng cường cải cách hành chính, triển khai xây dựng chính quyền điện tử và tinh giản bộ máy biên chế. Đây là những tiền đề quan trọng để Quảng Ninh triển khai xây dựng thành công đặc khu kinh tế Vân Đồn”.

Hơn nữa, ông Chính còn cho rằng, “chúng ta có lợi thế lao động rẻ so với trong khu vực. Còn đầu tư cái gì thì nhà đầu tư sẽ quyết định, chúng ta chỉ đưa ra thể chế để họ hoạt động. Thể chế sẽ thể hiện nhà đầu tư được lợi gì, nhà nước được gì và người dân được gì. Tất nhiên trong một cuộc chơi, chỉ một người được lợi thì sẽ không bền vững. Nói cách khác, cái gì là lợi thế thì mình phát huy”.

TS Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng đặc khu kinh tế, nhưng “không phải để cho vùng đó hưởng lợi mà là tạo ra hình mẫu cho phát triển kinh tế cho cả quốc gia, với thể chế hiện đại. Đặc khu này là tọa độ đột phá mạnh để tạo động lực lan tỏa phát triển”.

Cần khuyến khích hợp tác công – tư xây dựng đặc khu kinh tế

GS Hà Tôn Vinh, Khoa Quản trị Kinh Doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội, lấy ví dụ từ sự hình thành đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc, cho biết: từ năm 1979, khi còn là Nghiên cứu sinh tại Washington, được biết ông Đặng Tiểu Bình đến thăm Washington. Sau đó, đến năm 1980, tại Trung Quốc, ông đến khu vực Thẩm Quyến ngày nay, lúc đó vốn còn là một làng chài, ông đã phát biểu rằng “mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột”. Câu nói này tạo nền tảng cho làng chài này sau này thành một đặc khu kinh tế.

Đối với Việt Nam, khi chúng ta đang bàn đến phát triển đặc khu kinh tế, sau này nó sẽ là cái gì thì chưa biết, nhưng việc cần thiết là có sự cải cách thể chế làm động lực trước tiên cho phát triển. “Tôi rất thích quan điểm của ông Phạm Minh Chính cho rằng, lấy đặc khu làm một thách thức cho sự thay đổi, chứng minh rằng, Việt Nam ta  có tư duy thay đổi, muốn thay đổi và có thể thay đổi được. Đây là điều quan trọng, còn việc Đặc khu kinh tế Vân Đồn có đạt kết quả thành công như thế nào thì phải chờ thời gian, nói như Đặng Tiểu Bình rằng, chỉ có thực tiễn mới kiểm nghiệm được chân lý”.  

Ông Vinh cũng góp ý rằng, trên thế giới có 2 mô hình đặc khu kinh tế, gồm: Truyền thống (khu chế xuất, khu thuế quan, khu tự do kinh tế, tự do mậu dịch) và Hiện đại (phát triển vùng, phát triển quốc gia). Cho nên, theo ông Vinh, phát triển khu kinh tế Vân Đồn không phải là chỉ để phát triển tỉnh Quảng Ninh mà là phát triển cả một vùng, quốc gia.

Để đặc khu thực sự có thể ra đời sớm, ông Vinh đề nghị cần 3 điều: Một là, Trung ương cần ban hành khung pháp lý, thể chế, trong đó có quyền tự chủ về tài chính, quyền tự cấp phép… Hai là, Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh cần có cam kết về sự phát triển cơ sở hạ tầng để các nhà đầu tư có thể đến đầu tư. Ba là, khuyến khích ngay các nhà đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư./.