Chiều nay (25/11), tại Vĩnh Long, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức Hội thảo Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – MDEC Vĩnh Long 2013.

ky-ket-2.jpg

Đối với các tỉnh ĐBSCL, trong nhiều năm qua, hệ thống Ngân hàng đã tích cực chủ động, linh hoạt triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm huy động vốn tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ nguồn vốn trong toàn hệ thống, tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế và vùng ĐBSCL.

Riêng năm nay, tính đến ngày 31/10 vừa qua, tổng nguồn vốn huy động của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012 và chiếm 6,5% tổng nguồn vốn huy động trên toàn quốc.

Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng đối với khu vực ĐBSCL, đến 31/10 đạt 230.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012. Dư nợ cho vay với khu vực chiếm 9,3% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực ĐBSCL, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng với ĐBSCL trong việc đẩy mạnh cho vay, đầu tư tín dụng để các địa phương có điều kiện phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, hoa quả để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong vùng.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh: Chúng tôi hỗ trợ và nhân rộng cánh đồng mẫu lớn cũng như tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch dựa trên thế mạnh của từng địa phương để thu hút các nguồn vốn, phát triển KT-XH của cả vùng. Bên cạnh đó, chúng ta phân tích và tìm ra được những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế; giải pháp tăng cường năn lực huy động vốn và cho vay tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương./.